Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: đổi mới khen thưởng, kịp thời động viên những người lao động trực tiếp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thời gian qua, công tác khen thưởng của Hà Nội không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, đã có tác dụng động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.

Bám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ, khâu yếu, việc khó

Thực tế cho thấy, chất lượng công tác khen thưởng của Thủ đô ngày càng được nâng cao, với việc bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) có những bước chuyển tích cực. Các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương những gương ĐHTT, “Người tốt, việc tốt”…

Đáng chú ý, UBND, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TP đã kịp thời ban hành mới và sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về công tác khen thưởng trên địa bàn cho phù hợp Luật Thi đua-Khen thưởng và những văn bản hướng dẫn thi hành; chỉ đạo các đơn vị tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, thực hiện nghiêm quy định của Luật Thi đua-Khen thưởng, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nội vụ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác khen thưởng được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện; bảo đảm khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, đúng thành tích, theo quy định của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn.

Song song đó, việc lập và thẩm định hồ sơ, quy trình xét duyệt các danh nhiệu thi đua, hình thức khen thưởng cũng được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng và dân chủ; tập trung khen cơ sở, tập thể nhỏ và thành phần kinh tế trong công nhân, Nhân dân, lao động; tập trung khen những nhân tố mới, những điển hình mới trong xã hội và khen đột xuất. Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TP thực hiện xây dựng các bộ tiêu chí riêng biệt dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và dành cho chuyên viên, người lao động (NLĐ) trực tiếp, phân định rõ các nhóm đối tượng để xét thi đua với nhau; cụ thể hóa các tiêu chuẩn danh hiệu thi đua theo quy định của Luật và Nghị định của Chính phủ theo đặc thù từng cơ quan, đơn vị, trong đó chú trọng tiêu chuẩn đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc, nhất là tính năng động sáng tạo, tinh thần phục vụ Nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Cờ thi đua của TP cho các đơn vị có thành tích dẫn đầu thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW về ''Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng''
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Cờ thi đua của TP cho các đơn vị có thành tích dẫn đầu thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW về ''Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng''

Theo Ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội, việc xét, đề xuất khen thưởng trên địa bàn TP được quan tâm ngay từ khâu đề xuất; phần lớn đơn vị khi tiến hành đánh giá kết quả phong trào thi đua đã xây dựng hướng dẫn khen thưởng, trong đó xác định rõ đối tượng, tiêu chí khen thưởng, đã giúp việc đề xuất khen thưởng đạt chất lượng hơn. Khen thưởng gắn với kết quả từng phong trào thi đua ở từng đối tượng, lĩnh vực công tác. Việc khen thưởng thường xuyên đều có kế hoạch cụ thể. Khen thưởng chuyên đề có nội dung, tiêu chí công khai. Khen thưởng đột xuất cũng được thực hiện kịp thời, linh hoạt với nhiều hình thức, như thư khen, giấy khen, bằng khen, thưởng tiền, bằng hiện vật… 

"Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác khen thưởng thường xuyên, chuyên đề, đột xuất, động viên các tập thể, cá nhân ĐHTT; quan tâm đối tượng NLĐ trực tiếp; bảo đảm công khai, dân chủ, chính xác, kịp thời, đúng quy trình. 10 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã hiệp y, đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, ban, ngành, TP cho hơn 2.000 tập thể, cá nhân; UBND TP công nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho 8 cá nhân, công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho hơn 100 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tặng Bằng khen cho hơn 4.100 tập thể, cá nhân"- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường.

“Công tác khen thưởng của TP đã bám sát những phong trào thi đua, lấy kết quả thực hiện thi đua cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết các khâu yếu, việc khó, lĩnh vực quan trọng, phức tạp của TP và của địa phương, đơn vị, như giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm, đóng góp ngân sách, an toàn giao thông, trật tự đô thị, xã hội hóa, cải cách hành chính… làm căn cứ xét khen thưởng”- Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng TP Nguyễn Công Bằng chia sẻ.  

Mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ khen người lao động trực tiếp

Đáng chú ý, đối tượng khen thưởng đã được toàn TP mở rộng hơn đến các tầng lớp Nhân dân ở nhiều lĩnh vực hoạt động, công tác, từ đó góp phần động viên, nêu gương kịp thời và thiết thực trong quần chúng Nhân dân. Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện khen thưởng thành tích toàn diện ở các đối tượng, lĩnh vực, nhất là quan tâm những trường hợp đề nghị khen thưởng thành tích cống hiến, thành tích kháng chiến, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là NLĐ trực tiếp, TP đã xây dựng quy định tỷ lệ % khen thưởng và đề nghị khen thưởng đối với nông dân, công nhân, chiến sỹ, NLĐ trực tiếp và công chức, viên chức trong "Quy định về công tác khen thưởng trên địa bàn TP". Cụ thể, tỷ lệ trình khen cấp TP phải bảo đảm trên 75% cá nhân là NLĐ trực tiếp; đưa tiêu chí về tỷ lệ khen NLĐ trực tiếp là nội dung quan trọng để đánh giá, chấm điểm công tác thi đua, khen thưởng cho các đơn vị.

Để góp phần tăng tỷ lệ khen thưởng NLĐ trực tiếp, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TP đã phát động, triển khai hiệu quả “Cuộc thi phát hiện và viết về gương ĐHTT, người tốt việc tốt”, từ đó trong 10 năm qua, đã khen thưởng kịp thời hàng nghìn trường hợp công nhân, nông dân, công chức, chiến sỹ, NLĐ trực tiếp và quan tâm đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho nhiều NLĐ trực tiếp.

Trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã khen thưởng kịp thời hàng nghìn trường hợp công nhân, nông dân, công chức, chiến sỹ, người lao động trực tiếp (Ảnh: Công chức UBND phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính)
Trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã khen thưởng kịp thời hàng nghìn trường hợp công nhân, nông dân, công chức, chiến sỹ, người lao động trực tiếp (Ảnh: Công chức UBND phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính)

Bên cạnh đó, công tác thẩm định hồ sơ luôn được TP quan tâm, thực hiện trung thực, khách quan, dân chủ, nhiều đổi mới phù hợp thực tiễn; khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích, bảo đảm hồ sơ đúng quy trình, thời gian giải quyết đúng quy định. Đồng thời, đơn giản hóa và cải cách thủ tục hồ sơ đối với khen thưởng thành tích đột xuất, đã kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Công tác tổ chức trao tặng đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cũng được TP chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo đúng Nghị định 145/NĐ-CP ngày 29/10/2013, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm và tôn vinh xứng đáng những tập thể, cá nhân được khen thưởng.

"Công tác khen thưởng được huyện quan tâm ngay từ khâu đề xuất bảo đảm đúng đối tượng trên 75% là tập thể nhỏ và NLĐ trực tiếp, phù hợp tiêu chí khen thưởng và theo nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó”, công khai, công bằng, khách quan, đúng quy định. Việc khen thưởng thường xuyên đều có kế hoạch cụ thể; khen thưởng chuyên đề có chủ đề, nội dung, tiêu chí rõ ràng; khen thưởng đột xuất được thực hiện kịp thời, linh hoạt. Quan tâm phát hiện, khen thưởng, trong 10 năm qua, huyện Mê Linh đã khen thưởng theo thẩm quyền và trình các cấp khen thưởng trên 35.000 tập thể, cá nhân, trong đó bảo đảm tỷ lệ 80% là NLĐ trực tiếp"- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn.

Ngoài ra, TP còn quan tâm những lợi ích thiết thực khác với đối tượng được khen thưởng, như nâng lương trước thời hạn, đề bạt, bổ nhiệm người có nhiều thành tích trong phong trào thi đua… Công tác khen thưởng thành tích tham gia 2 cuộc kháng chiến, khen thưởng người có công được giải quyết tích cực, khẩn trương, đúng chính sách, tiêu chuẩn và điều kiện khen thưởng. Quan tâm khen thưởng người nước ngoài, TP cũng đã tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô”, “Người tốt, việc tốt” cho những cá nhân có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, phát triển TP. 

Song song đó, kinh phí dành cho khen thưởng và chế độ tiền thưởng được áp dụng thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của T.Ư, TP. UBND TP đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội; HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định mức chi đặc thù lĩnh vực thi đua khen thưởng, tạo điều kiện quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động, tiếp nhận các nguồn xã hội hóa dành cho công tác khen thưởng.

Đồng thời, TP đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý dữ liệu khen thưởng, đơn giản hóa TTHC liên quan công tác khen thưởng. Trong đó, đang ứng dụng hiệu quả phần mềm “Hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử ngành thi đua khen thưởng” của Ban Thi đua-Khen thưởng T.Ư; khai thác hiệu quả các phần mềm quản lý văn bản, quản lý dữ liệu thi đua khen thưởng TP và Trang thông tin điện tử ngành thi đua khen thưởng TP...  

"Việc khen thưởng cần được thực hiện kịp thời gắn liền với kết quả phong trào thi đua thì mới phát huy hết tác dụng khuyến khích, động viên những người tốt, việc tốt. Đồng thời, linh hoạt áp dụng các hình thức khen thưởng phù hợp từng đối tượng, mới có tác dụng động viên, khích lệ: có đối tượng phải khen được khen về vật chất để hỗ trợ họ thực hiện các mục tiêu đề ra, có đối tượng cần có hình thức tôn vinh để ghi công trạng; việc khen thưởng cần hài hòa giữa khen vật chất và động viên tinh thần"- Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn.