Đó là những ý kiến của các doanh nghiệp và Sở Du lịch Hà Nội tại buổi trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp (VHTT&DL) vừa diễn ra.
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp
Báo cáo của Sở VHTT&DL Đồng Tháp cho thấy, hiện địa phương có diện tích trồng cây ăn trái đạt trên 33.000ha. Trong những năm gần đây, Đồng Tháp đã tập trung xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Giám đốc Sở VHTT&DL Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, loại hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp hình thành và phát triển từ năm 2016, đến nay đã có 65 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
“Giai đoạn 2016 - 2021, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hút trên 4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 486 tỷ đồng” - bà Huỳnh Thị Hoài Thu nêu ví dụ.
Theo chủ vườn hoa cây cảnh Ngọc Lan (làng hoa Sa Đéc, TP Sa Đéc) Trần Hữu Tài, mặc dù chỉ mới tập tành làm du lịch được 5 năm nhưng công việc chăm sóc hoa, cây cảnh đã có nhiều đổi thay theo hướng hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chuyển sang dùng các loại thuốc sinh học để chăm sóc cây trồng. "Làm du lịch nông nghiệp mà xịt thuốc sâu nồng nặc thì chắc không du khách nào dám ghé chơi” - ông Trần Hữu Tài nói.
Tương tự, chị Võ Ngọc Anh Thy (TP Sa Đéc) lại quyết định chuyển hướng từ trồng hoa sang làm du lịch nông nghiệp bài bản, chuyên nghiệp. Chị Thy kể, lúc đầu gia đình chỉ tận dụng vườn hoa có sẵn của gia đình cho khách vào tham quan, chụp ảnh và thu tiền gửi xe 3.000 đồng/vé. Nắm bắt thị hiếu của du khách, gia đình xây dựng các tiểu cảnh cổng vào, khuôn viên ăn uống, khu vui chơi với trò chơi vận động để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm tại làng hoa.
“Thông qua việc đầu tư hạ tầng cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí nên trong những ngày nghỉ lễ, tết, Khu Du lịch Happy land Hùng Thy đã đón hơn 1.000 lượt khách/ngày” - chị Võ Ngọc Anh Thy chia sẻ.
Thành công bước đầu của tỉnh Đồng Tháp trong việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, làng nghề đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia làm du lịch, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Cần thay đổi để chuyên nghiệp hóa
Theo các chuyên gia du lịch, việc phát triển loại hình du lịch nông thôn đã tạo tiền đề cho Đồng Tháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên để phát triển bền vững đòi hỏi Đồng Tháp khắc phục những bất cập về hạ tầng cơ sở, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng du lịch nông nghiệp Đồng Tháp chủ yếu ở quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch nông nghiệp đơn sơ, chưa tận dụng hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho du khách.
Mặt khác, các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch còn lúng túng để khai thác tiềm năng, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách. Đặc biệt phần lớn nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, nên hoạt động giới thiệu, hướng dẫn du khách tại các điểm đến còn thiếu chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh thông tin, tốc độ phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp Đồng Tháp khá nhanh, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, những đơn vị có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn giản, trùng lặp. Các điểm du lịch chưa chú trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu.
Các đại biểu cho rằng, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp; đơn vị, hộ gia đình tổ chức hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp; còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác tiềm năng, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp; phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản.
Để khắc phục những khó khăn này, bà Huỳnh Thị Hoài Thu kiến nghị thời gian tới Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch tổ chức những lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các hộ dân tỉnh Đồng Tháp tham gia phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ ngành du lịch Đồng Tháp một số dự án khôi phục, phát triển làng nghề dệt chiếu, chợ đêm làng Định Yên, huyện Lấp Vò.
Riêng với TP Hà Nội, mong muốn du lịch 2 tỉnh, thành phố đẩy mạnh kết nối xây dựng tour, tuyến du lịch trao đổi khách. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội truyền đạt kinh nghiệm xây dựng, khai thác tiềm năng du lịch làng nghề, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua việc kết nghĩa giữa một số quận, huyện TP Hà Nội với các huyện của tỉnh Đồng Tháp.
Trước những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu khẳng định, để hỗ trợ Đồng Tháp khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp, thời gian tới đơn vị sẽ song hành trong việc đào tạo, tập huấn về xây dựng sản phẩm du lịch, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến. Đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến tuyên truyền các điểm du lịch nông nghiệp tới doanh nghiệp lữ hành, qua đó hỗ trợ Đồng Tháp thu hút du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp.
Ý kiến của các đại biểu cho thấy, để khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp đòi hỏi tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh liên kết vùng từ đó tạo sức mạnh trong quá trình thu hút khách.