Hà Nội đóng vai trò chủ lực của bộ môn Đấu kiếm Việt Nam

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), bộ môn đấu kiếm Việt Nam giành 5 HCV, 1HCB và 5 HCĐ trong tổng số 446 HCV của Đoàn thể thao Việt Nam. Đặc biệt, thể thao Hà Nội đóng vai trò chủ lực với 4 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ.

Đấu kiếm Việt Nam vượt chỉ tiêu

Tại SEA Games 31, đấu kiếm Việt Nam tranh tài ở tất cả các nội dung với 24 VĐV và đặt mục tiêu 3 tấm HCV. Những cái tên được “chọn mặt gửi vàng” vẫn là tuyển thủ kỳ cựu như Vũ Thành An và lứa vận động viên trẻ, như: Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1997), Vũ Thị Hồng (sinh năm 1999), Phùng Thị Khánh Linh (2000)... Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Vũ Thành An và đồng đội là Thái Lan, Singapore. Thách thức và khó khăn liên tiếp đến với đấu kiếm Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị nhưng toàn đội cố gắng để mang vinh quang về cho nước nhà và vượt qua chỉ tiêu đề ra tại Đại hội.

Đấu kiếm Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 31.
Đấu kiếm Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 31.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, HLV trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định những chiến thắng của đội đấu kiếm Việt Nam là sự cố gắng và vượt khó không biết ngừng nghỉ đối với từng VĐV.

“Trong suốt thời gian chuẩn bị cho Đại hội, Ban huấn luyện và các VĐV không có nhiều thông tin về các đội. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến đội gặp vô vàn khó khăn, có thời điểm toàn đội nghĩ rằng không thể vượt qua mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, toàn đội đã vượt chỉ tiêu một cách thuyết phục” – HLV Phạm Anh Tuấn cho biết.

Những tấm HCV quý gía và màn ăn mừng đầy quý giá của Vũ Thành An, Bùi Thị Thu Hà, Nguyễn Tiến Nhật đã mang đến nhiều cảm xúc cho người hâm mộ có mặt tại Cung điền kinh trong nhà Mỹ Đình (Hà Nội).

Các VĐV đấu kiếm Việt Nam tự tin khi có lợi thế được thi đấu trên sân nhà tại SEA Games 31.
Các VĐV đấu kiếm Việt Nam tự tin khi có lợi thế được thi đấu trên sân nhà tại SEA Games 31.

Theo các nhà vô địch nội dung nội dung đồng đội kiếm chém nữ, việc được thi đấu trên sân nhà phần nào thúc đẩy tinh thần, sự quyết tâm trong từng trận đấu: “Có những thời điểm chúng tôi tâm lý trước các đối thủ khi để họ dẫn trước, nhưng sự cổ vũ người hâm mộ và người thân của các VĐV trên khán đài là mang đến động lực không nhỏ trong từng đường kiếm, từng pha đánh để giành chiến thắng”.

Dấu ấn quan trọng của Hà Nội

Điểm lại những tấm HCV của đấu kiếm Việt Nam, các VĐV Hà Nội luôn đóng vai trò quan trọng, chủ lực cho toàn đội với 18/24 VĐV. Vũ Thành An - kiếm thủ kỳ cựu với thành tích nổi  tiếp tục bảo vệ tấm HCV cá nhân nội dung kiếm chém nam. Đây là tấm HCV liên tiếp lần thứ 4 của kiếm thủ Thành An tại các kỳ SEA Games. Ngoài ra, VĐV sinh năm 1992 mang về tấm HCV khác ở nội dung đồng đội nam kiếm chém.

Kiếm thủ Hà Nội Vũ Thành An là VĐV chủ lực của đấu kiếm Việt Nam.
Kiếm thủ Hà Nội Vũ Thành An là VĐV chủ lực của đấu kiếm Việt Nam.

Nếu như Vũ Thành An luôn chứng tỏ được đẳng cấp trong nhiều năm của đấu kiếm Hà Nội, một cái tên khác cũng vỡ oà niềm vui trên sân nhà tại SEA Games 31 là Bùi Thị Thu Hà khi tham gia ở hai nội dung là kiếm ba cạnh nữ cá nhân và đồng đội nữ kiếm chém. Điều đặc biệt, VĐV của Hà Nội mới quay trở lại tập luyện khi con chưa đầy 1 tuổi và giành 2 tấm HCV cho đấu kiếm Việt Nam.

“Sau 8 tháng nghỉ sinh con, tôi quay trở lại tập luyện và thấy bản thân “tụt dốc không phanh” về mọi mặt, đặc biệt là thể lực. Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được những ngày tháng vừa qua khi phải xa con nhỏ, tập luyện không ngừng để hướng đến SEA Games 31. Những tấm HCV tại SEA Games 31 tôi muốn dành tặng tấm huy chương này cho những người thầy, đồng đội và người hâm mộ Việt Nam”– VĐV Hà Nội chia sẻ.

Hà Nội đóng vai trò chủ lực ở bộ môn đấu kiếm của Việt Nam tại SEA Games 31
Hà Nội đóng vai trò chủ lực ở bộ môn đấu kiếm của Việt Nam tại SEA Games 31

Ngoài Vũ Thành An và Bùi Thị Thu Hà, thể thao Hà Nội không thể bỏ qua Phùng Thị Khánh Linh, Phạm Thị Thu Hoài, Tô Đức Anh… những VĐV đóng góp không nhỏ vào tấm HCV đồng đội của đấu kiếm Việt Nam. Theo HLV trưởng Phạm Anh Tuấn, thể thao Hà Nội nói riêng luôn đóng vai trò chủ lực khi là đơn vị đi đầu trong phong thể thao thành tích cao của Việt Nam. Những thành tích vượt trội của Thành An và các đồng đội đã chứng tỏ vị thế của thể thao Hà Nội từ đấu trường trong nước cũng như khu vực châu lục. Từ khi bộ môn đấu kiếm được thành lập từ năm 2001, Hà Nội luôn đóng góp chủ trên 50 %, thậm chí có thời điểm 80% về nhân lực cũng như thành tích chung của thể thao Việt Nam.

“Hà Nội là “xương sống” của đấu kiếm Việt Nam, ngoài đóng góp về chuyên môn và thành tích, đấu kiếm Hà Nội còn hỗ trợ nơi tập, giáo án chuyên môn cho các đơn vị khác để đào tạo nhân lực cho nước nhà. Những tấm HCV tại SEA Games 31 đều xứng đáng khi các VĐV đều nỗ lực, đó cũng là thành tích chung của toàn đội thể tình đoàn kết. Thể thao Hà Nội nói chung và đấu kiếm nói riêng nhận được sự quan tâm, chủ động để có những chiến lược lâu dài và hướng đến thành tích chung của thể thao nước nhà” – ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Kết thúc SEA Games 31, các kiếm thủ chỉ được nghỉ 1 tuần và quay trở lại tập luyện từ ngày 30/5 để duy trì cũng như cải thiện chuyên môn, hướng tới các mục tiêu tiếp theo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần