Vị trí sạt lở theo khảo sát nằm tương ứng từ K28+942 đến K30+650 đê hữu Hồng. Theo đó, tuyến bờ sông đang xuất hiện nhiều cung sạt tạo thành vách cao từ 0,5 - 2m. Một số vị trí sạt lở nằm trong khu vực có dân cư sinh sống tập trung với chiều dài khoảng 700m.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du, hiện trạng sạt lở mái kè đoạn qua phường Phú Thịnh có nguy cơ uy hiếp đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đáng lo ngại hơn khi diễn biến sạt lở còn rất phức tạp, có xu hướng phát triển thêm khi có mưa, lũ…
Hiện, UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức vận động, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cảnh báo, giám sát, hướng dẫn và hạn chế người cũng như phương tiện qua lại khu vực sạt lở.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, vừa qua đơn vị cũng đã thuê giám sát, đo đạc, quan trắc nguy cơ sạt lở để có đánh giá cụ thể. Từ đó, đề xuất UBND TP có hướng giải quyết triệt để sự cố xảy ra với mái kè sông Hồng tại phường Phú Thịnh.
Trước diễn biến sạt lở mái kè tại thị xã Sơn Tây, căn cứ đề xuất của Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND TP đã quyết định ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng Dự án xử lý khắc phục sự cố nêu trên. Theo đó, Hà Nội dự kiến bố trí 78 tỷ đồng từ ngân sách TP để bổ sung lăng thể đá hộ chân bờ sông và gia cố bảo vệ mái bờ sông.
UBND TP giao Sở N&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án, với yêu cầu cần bảo đảm các mục tiêu an toàn phòng, chống thiên tai, hiệu quả và tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Thời gian hoàn thành khắc phục sự cố sạt lở trong tháng 6/2022.