Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn và lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu địa phương.
Kinh tế duy trì tăng trưởng
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm 2021.
6 tháng đầu năm 2021, UBND TP chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”, phấn đấu tăng trưởng cao nhất, tạo đà tăng trưởng cho các tháng cuối năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao (đạt 49,7% dự toán Thành phố giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ (nếu tính cả 11.390 tỷ đồng số thu được gia hạn trong 6 tháng đầu năm theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ thì tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện là 136.244 tỷ đồng, đạt 57,8% dự toán Trung ương giao và 54,2% dự toán Thành phố giao, bằng 106,4% so với cùng kỳ).
Mặc dù tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng. Trong Quý I, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GRDP ước tăng 5,91% - cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%) nhưng thấp hơn 6 tháng đầu năm 2019 (7,21%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 1,9% so với tháng 5 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2020 tăng 3,3%).
Các hoạt động thương mại phát triển tốt, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Trong những ngày đầu tháng Năm, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng và tại một số bệnh viện lớn. Thành phố Hà Nội đã yêu cầu giải tỏa chợ tạm, chợ cóc, tạm dừng các quán ăn, uống đường phố... để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 289.652 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197.535 tỷ đồng, tăng 9,5%.
Vận tải duy trì tăng trưởng khá mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ đầu tháng 5/2020, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân, Thành phố đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghiêm biện pháp, phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các biện pháp ngăn ngừa dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.
Du lịch tiếp tục bị tác động mạnh do đại dịch Covid-19. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) 5 tháng đầu năm đạt 101 nghìn lượt khách, giảm 85,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt 1.375 nghìn lượt khách, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Chỉ số PCI năm 2020 tiếp tục giữ vững vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD (trong đó 171 dự án mới - số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn đầu tư - số vốn 447,7 triệu USD; 250 lượt góp vốn, mua cổ phần - số vốn 120,5 triệu USD).
Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng, gồm: 10 dự án mới với số vốn 1.470 tỷ đồng, 38 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn tăng 5.635 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng (tăng 4% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.582 doanh nghiệp (tăng 33% so với cùng kỳ), 7.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 15% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687 doanh nghiệp (tăng 74% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 315.248 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt.
Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên Thế giới với số ca mắc và tử vong tăng cao. Tuy nhiên Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trên địa bàn Thành phố đúng vào dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5. Ngay sau khi có thông báo ca mắc mới ngoài cộng đồng, toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố kích hoạt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại những nơi tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao.
UBND Thành phố yêu cầu, từ 17h ngày 3/5/2021, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè. Từ 0h ngày 5/5/2021 tạm dừng hoạt động tại các rạp chiếu phim, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ massage, spa, phòng tập gym, sân vận động, sự kiện tổ chức đông người không cần thiết.
Từ 12h ngày 13/5/2021 tạm dừng toàn bộ các hoạt động thể thao tập trung đông người, sân golf, các sân tập golf. Từ 12h ngày 25/5, tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng...
Từ tháng 4 năm 2021 đến nay, Thành phố đã khẩn trương, chủ động chỉ đạo xử lý các ổ dịch nóng liên quan đến Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và một số chùm ca bệnh mới từ chuyên gia Ấn độ, Time City, Công ty T&T...
Thành phố chủ trương đẩy mạnh tiêm vacine ngừa Covid-19 cho nhân dân Thủ đô để đảm bảo hiệu quả chống dịch cao nhất. Đến nay đã tiếp nhận, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2021; xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid 19 cho người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022.
Đã tổ chức triển khai tiêm hơn 50.000 liều vacine cho cán bộ nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập...
Triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế
6 tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất (sắt, thép, dầu mỏ) có xu hướng tăng là những lực cản cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đạt 7,5%, nhiệm vụ quý III phải tăng trên 8,5%, quý IV phả tăng trên 9,1%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19: Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phù hợp để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Triển khai tiêm chủng vacine phòng bệnh Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... thực hiện khai báo y tế tại địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người. Tăng cường giám sát việc thực hiện cách li y tế. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch, các đối tượng nhập cảnh trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức trong nhân dân để nâng cao tinh thần phòng dịch.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.
Tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.
Duy trì tốt các lĩnh vực văn hóa, thông tin; đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh cả về chất lượng và quy mô, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chủ động phòng chống dịch bệnh, trọng tâm là dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá, Thành phố đã thực hiện nghiêm công tác chống dịch theo hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế; tuy dịch bệnh phức tạp nhưng Thành phố không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tình hình sản xuất, kinh doanh có khởi sắc nhưng tăng trưởng chưa bứt phá. Thành phố đã tổ chức thành công cuộc bầu cử và thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Về nhiệm vụ sắp tới, Phó Chủ tịch nhấn mạnh Thành phố quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021. Thành phố giao Sở Y tế chủ động tham mưu và hướng dẫn các quận, huyện thị xã bảo đảm tiến độ tiêm vaccine cho đúng đối tượng; tăng cường quản lý hoạt động tiêm chủng, theo dõi sát tình hình, kịp thời xử lý tai biến sau tiêm chủng; rà soát nhân lực, vật tư, trang thiết bị để xây dựng chiến dịch tiêm chủng của TP chặt chẽ từng khâu, đúng quy trình và bảo đảm tuyệt đối an toàn. Về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT, đề nghị Sở GD&ĐT chủ trì cùng Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án tổng thể, chi tiết hiệu quả bảo đảm tổ chức thành công, an toàn cao nhất cho kỳ thi.Về phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công, đề nghị các đơn vị phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2021. Đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo..., tập trung quản lý điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán Thành phố giao, tập trung ngân sách cho lĩnh vực thiết yếu...Theo đề xuất của Kho bạc NN Thành phố, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang thấp, vì vậy đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đề nghị 6 tổ công tác họp với chủ đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc kịp thời. Theo mục tiêu đặt ra Thành phố trong quý 3 phải giải ngân đầu tư được 60% và cả năm đạt 100%. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Hà Nội đến các tỉnh thành phố; khởi công các cụm công nghiệp theo đúng tiến độ.Phó CHủ tịch nhấn mạnh năm 2021 là năm bắt đầu nhiệm kỳ mới, việc rà soát, hoàn thiện thể chế cần thực hiện, vì vậy đề nghị Sở Tư pháp rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bổ sung ban hành văn bản mới. Căn cứ yêu cầu thực tiễn đề xuất chương trình xây dựng văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý phát triển một cách bền vững; đôn đốc theo dõi việc tổ chức thực thi pháp luật trên địa bàn.Đối với nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần rà soát quy trình, quy chế, phân công phân nhiệm rõ ràng, bảo đảm hiệu quả công việc, nhiệm vụ này phải hoàn thành trong tháng 7/2021. Về phân cấp, ủy quyền, đề nghị Sở KHDT phối hợp sở, ngành liên quan hoàn chỉnh bổ sung phân cấp ủy quyền giữa Thành phố và sở, ngành, quận, huyện, thị xã, phải xong trong quý 2/2021Để giảm vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, Văn phòng UBND cần chủ trì rà soát TTHC có liên quan sản xuất, kinh doanh để ban hành các quyết định về rút ngắn TTHN, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực; ban hành quy chế hệ thống quản lý văn bản, trao đổi văn bản điện tử, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia...Về một số nhiệm vụ trọng tâm khác, Phó Chủ tịch giao Sở Nội vụ tiếp tục chỉ đạo các quận, thị xã Sơn Tây về thí điểm chính quyền đô thị, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện với đội ngũ cán bộ. Sắp xếp lại cán bộ công chức dôi dư, đề nghị báo cáo để có chính sách. Bên cạnh đó, chỉ đạo các quận, huyện rà soát lại hợp đồng lao động hiện thực hiện hợp đồng công chức, bảo đảm trên địa bàn không có đơn vị nào thực hiện hợp đồng công chức không đúng quy định pháp luật.Sở KH và ĐT cần tham mưu cho Thành phố tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, tập trung tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó tham mưu Thành phố báo cáo Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn đầu tư công.