Hà Nội dẫn đầu trong thương mại điện tử
Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vừa công bố Báo cáo chỉ số EBI 2024, theo đó TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số TMĐT Việt Nam 2024 với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, tỉnh Bình Dương đứng thứ 3 trong bảng xệp hạng nhưng chỉ số kém Hà Nội 33 điểm khi chỉ đạt 51,3 điểm. Như vậy, nhiều năm liền, Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển TMĐT.
Theo Cục Thuế Hà Nội, trên cơ sở dữ liệu từ ba sàn TMĐT lớn nhất là Shopee, Tiki, Lazada, đơn vị đã tổng hợp, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh TMĐT, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của hơn 366.850 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc 3 sàn TMĐT này. Từ đầu năm đến nay Hà Nội đã thu 7.362 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.
Theo các chuyên gia kinh tế, TMĐT phát triển đã kéo theo hoạt động xuất khẩu của Hà Nội dần phục hồi khi xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.... Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Hoàng Thị Diệu Hồng cho biết, để tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng TMĐT để tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho thấy, hiện trên địa bàn TP có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về TMĐT, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Giám đốc kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ, để đưa hàng hóa ra thị trường thế giới, đơn vị đã tìm tới giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng TMĐT quốc tế. Đến nay, công ty đã có 4 sản phẩm đưa lên sàn Amazon tiêu thụ.
Nhìn nhận nguyên nhân khiến TMĐT Hà Nội phát triển mạnh mẽ, Phó trưởng Khoa Kinh tế (Đại học Thương mại Hà Nội), Vũ Thị Yến nêu rõ, sự phát triển bứt phá về TMĐT của Hà Nội phải kể đến những lợi thế riêng về quy mô thị trường, trình độ công nghệ cũng như các điều kiện phát triển khác như quy mô dân số lớn với 8,5 triệu dân. Bên cạnh đó, TP Hà Nội một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước nên trên địa bàn đã tập trung số lượng lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ đó giúp các đơn vị sản xuất dễ dàng tiếp cận TMĐT.
Tạo điều kiện cho thương mại điện tử tăng tốc
Nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 303/KH-UBND phát triển TMĐT trên địa bàn Hà Nội năm 2024.
Trong đó đặt mục tiêu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên về EBI cả nước, doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. 53% người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, 49% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi TP Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng TMĐT, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ. Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh chia sẻ, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số gặp khó khăn về nguồn lực có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hóa đơn, chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, logistics thiếu sự đồng bộ, tính kết nối.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hiện nhiều đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả đã lợi dụng TMĐT để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả. “Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan lập pháp cần làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán. Qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn giao dịch TMĐT để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng” - ông Kiên đề xuất.
Đồng tình với phản ánh này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, hiện 95% doanh nghiệp của TP Hà Nội là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên dù nhận ra lợi ích của TMĐT trong việc mở rộng thị trường nhưng kỹ năng kinh doanh thông qua loại hình này còn hạn chế. Để trợ giúp doanh nghiệp khắc phục yếu kém này, thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội sẽ trợ giúp doanh nghiệp nắm bắt các quy định của TMĐT qua đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, xây dựng thương hiệu Việt trên toàn cầu.
“Năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ 400 doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận phương thức kinh doanh trên các sàn TMĐT”-ông Hiệp nêu ví dụ.
Hiến kế để TP Hà Nội phát triển TMĐT, giữ vững vị trí thứ 2 trong bản xếp hạng, Phó Trưởng bộ môn Phương pháp nghiên cứu khoa học (Trường Đại học Thương mại) Phạm Thị Minh Uyên cho rằng, TP Hà Nội cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và các công cụ quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển TMĐT theo hướng tương đồng với pháp luật quốc tế, các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, tăng cường phổ cập kiến thức về internet và TMĐT, giúp gia tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường TMĐT thay vì bán lẻ truyền thống.
Để giữ vững vị trí dẫn đầu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP sẽ tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, OCOP, hàng tiêu dùng qua các kênh TMĐT; Đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Đồng thời, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; Bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch TMĐT. Ngoài ra, TP Hà Nội còn phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn TP, mở rộng tới cả nước.