Hà Nội: Gần 73 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

D. Tùng - Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa chính thức ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018- 2020. Việc triển khai thực hiện đề án nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân thành lập DN và hoạt động theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, góp phần đưa kinh tế của Thủ đô và cả nước phát triển nhanh và bền vững.

Phấn đấu từ nay đến 2020 có thêm 154.000 DN

Cụ thể, Quyết định số 4665/QĐ-UBND ngày 5/9, UBND TP nêu rõ, tập trung vào các đối tượng là cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh thành lập DN trong đó lấy hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN là đối tượng trọng tâm của Đề án. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ, khuyến khích thành lập DN, phấn đấu đến năm 2020 có Hà Nội 400.000 DN đăng ký hoạt động.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cụ thể số DN thành lập mới từ 1/8/2018 đến 31/12/2020 là 154.000 DN trong đó, năm 2018 phấn đấu chuyển đổi 5% tổng số hộ kinh doanh hiện có tương đương 8.356 DN; năm 2019 phấn đấu chuyển đổi 15% tổng số hộ kinh doanh tương đương 25.068 DN và 2020 chuyển đổi 20% tương đương 41.781 DN.

Trong 7 tháng từ đầu năm 2018, TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho hơn 14.000 DN thành lập mới. Lũy kế đến 31/7, trên địa bàn TP. Hà Nội có tổng số 245.000 DN.

Không thanh tra kiểm tra DN mới thành lập trong 3 năm đầu

Đề án đưa ra những giải pháp cụ thể như đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận xã, phường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đăng ký DN (tăng cường đăng ký qua mạng điện tử mức độ 4, phấn đấu giải quyết 100% các thủ tục hành chính liên quan đến thành lập DN được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hơn so với quy định), về giấy phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện; hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, công tác kế toán cho DN khởi sự; hỗ trợ tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DN; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các DNNVV; hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường và nghiên cứu chuyển giao đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó còn hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kiến thức cho các Hộ kinh doanh và các DNNVV; đặc biệt là tập trung tư vấn, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập DN (thực hiện theo Luật hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 1/1/2018)...

Đáng chú ý không thực hiện thanh tra, kiểm tra DNNVV trong thời gian 3 năm đầu kể từ khi DN được thành lập. Việc thanh tra, kiểm tra DN chỉ được thực hiện trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho DNNVV thành lập mới, DNNVV chuyển từ hộ kinh doanh, thực hiện trong 3 năm là 72,91 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần