Chuyện buồn ở Thủ đô
Theo Quyết định điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, nguồn nước cấp cho TP sẽ được đảm bảo theo hướng ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm… Song, đó là câu chuyện của tương lai, hiện nguồn nước sử dụng chính của hàng trăm ngàn người dân sinh sống ở các xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn vẫn là nước giếng khoan, giếng khơi… thậm chí là trông chờ vào ông Trời - nước mưa.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân Chu Văn Phương ngán ngẩm cho biết, toàn xã có gần 4.000 hộ dân với 15.000 người ở 10 thôn… nguồn nước sinh hoạt chính của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm từ giếng khoan, giếng khơi không đảm bảo vệ sinh. Song, với nhiều người ở xã Thanh Xuân, dù là không đảm bảo vệ sinh, nhưng có nước để sử dụng đã là “niềm hạnh phúc” lớn lao.
“Trong 10 thôn trên địa bàn xã thì có đến 6 thôn luôn rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng gồm Kim Anh, Đồi Cốc, Bãi Thượng, Chợ Nga, Na, Thanh Nhàn do đa phần không khoan được giếng” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân Chu Văn Phương cho biết.
Đến thời điểm này, nguồn nước chính của người dân huyện Sóc Sơn là nước giếng, giếng khơi, nước mưa. Ảnh: Sơn Hà. |
Dẫn chứng cho lời của Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân Chu Văn Phương, bà Phan Thị Thanh Tùng, khu dân cư Kim Anh, xã Thanh Xuân cho biết, ở đây nhà nào cũng phải xây bể, lắp đặt hệ thống lọc nước, bởi nếu không lọc thì tưới cây cũng không được chứ nói gì đến ăn uống. Để chứng minh cho tình trạng ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh của nguồn nước sinh hoạt nhà mình, bà Tùng pha một ấm trà rồi rót vào chậu nước được bơm lên từ giếng khoan, trà vào đến đâu thì nước đổi màu tím ngắt đến đó, chỉ vài giây sau cả chậu nước đã đen kịt.
“Nhà tôi dùng nước nấu ăn phải lọc qua 3 lần bể, từ bể lọc cát sỏi, để lắng, đến bể lọc cát than hoạt tính và lọc tiếp qua máy RO. Nước tưới cây, sinh hoạt khác vẫn phải dùng nước giếng khoan lọc qua 1, 2 lần... Dù lọc nhiều lần nhưng khi sử dụng chúng tôi vẫn rất lo nước không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe” - bà Phan Thị Thanh Tùng chia sẻ.
Bà Phan Thị Thanh Tùng dùng nước trà rót vào chậu nước giếng khoan khiến nước trong chậu chuyển màu từ tím sang đen kịt. |
Tương tự, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang Nguyễn Văn Hòa cho biết, toàn xã có 4.000 hộ dân đều có nhu cầu sử dụng nước sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhưng nguyện vọng này, sau nhiều năm vẫn chưa được đáp ứng. Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, xã Xuân Giang sẽ có nước sạch vào năm 2020, vậy mà đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.
Theo thống kê của phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, hiện nay, toàn huyện mới chỉ có 8/26 xã, thị trấn là có nước sạch, còn 18 xã chưa được cung cấp nước sạch từ nguồn nước tập trung. Tức là mới có hơn 20% số dân (tương đương với 74.510/354.811 người) được dùng nước sạch, 80% số dân còn lại có nhu cầu rất bức thiết dùng nước sạch bởi một số nơi không khoan được giếng và nước giếng khoan bị ô nhiễm.
Kiến nghị chấm dứt dự án chậm triển khai
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, hiện việc triển khai cấp nước sạch cho Nhân dân huyện Sóc Sơn do Liên danh Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống; Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Anh thực hiện. Song, đến nay, chỉ có Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội - đơn vị cấp nước cho 4 xã Tiên Dược, Mai Đình, Phù Lỗ, thị trấn Sóc Sơn và 3.100 hộ dân trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, bán kính 1km là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra. Trong khi đó, đối với Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Anh, hiện nay, đơn vị này đang quản lý, vận hành cấp nước tại thôn Môn Tự, xã Tân Dân nhưng bằng nguồn nước ngầm với công suất 100m3/ngày đêm.
Chậu nước giếng khoan chuyển màu đen sau khi được thêm nước trà - loại nước mà những người dân vẫn sử dụng hàng ngày. |
Đối với Liên danh Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống, mặc dù năm 2017, TP đã có quyết định giao cho liên danh này triển khai đầu tư hệ thống cấp nước cho 18 xã thuộc huyện, với thời gian hoàn thành là hết năm 2020.
“Tuy nhiên đến nay, nhà đầu tư vẫn không triển khai xây dựng, bất chấp việc UBND huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, tổ chức nhiều buổi làm việc, ban hành nhiều văn bản đôn đốc kiến nghị đẩy nhanh tiến độ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc nói.
Theo ông Phạm Quang Ngọc, từ thực tế trên, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị UBND TP, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT không gia hạn hoặc chấm dứt dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn do Liên danh Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống thực hiện (đã được TP giao tại Quyết định số 3846/QĐ-UBND ngày 24/6/2017) do nhà đầu tư không thực hiện.
Đồng thời, xem xét bổ sung nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ cấp nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Cụ thể, kiến nghị giao Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội cấp nước sạch cho 11 xã thuộc huyện gồm Đông Xuân, Xuân Thu, Kim Lũ, Đức Hòa, Việt Long, Xuân Giang, Bắc Phú, Tân Minh, Tân Hưng, Phù Linh, Trung Giã để đảm bảo việc kết nối, tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng cấp nước do đơn vị này đang quản lý; Giao Công ty CP cấp nước Mê Linh cấp nước cho 6 xã gồm Thanh Xuân, Hiền Ninh, Phú Cường, Minh Phú, Minh Trí, Quang Tiến để đảm bảo kết nối với hệ thống đường ống, trạm xử lý nước mặt do đơn vị đang quản lý.
Đối với Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Anh, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị TP chỉ cho phép hoàn chỉnh hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn xã Tân Dân và về lâu về dài phải có giải pháp sử dụng nguồn nước mặt thay thế nguồn nước ngầm hiện trạng (nếu được TP chấp thuận).