Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Giá trị sản xuất nông nghiệp tại Thạch Thất ước đạt trên 1.700 tỷ đồng

Bài & Ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Nguyễn Chí Lượng cho biết, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt 1.707,6 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân là 3,4%/năm.

Để đạt được kết quả như trên, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020”; chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Thành phố, của Huyện và nhân dân đầu tư mua sắm máy móc, như máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, dây truyền mạ khay tự động và hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản...
Tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch đạt trên 98%, tưới tiêu đạt 95% diện tích canh tác. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đưa các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao vào 100% diện tích gieo cấy.
Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, kết hợp trồng rừng sinh thái với trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Đến nay đã có 121 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như: giống lúa cao sản chất lượng cao, mô hình trồng hoa, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi ở Đại Đồng, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Tiến Xuân; vùng sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn với diện tích 200 ha ở các xã: Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Trung, Bình Yên, Yên Bình cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều mô hình chuyển đổi nội bộ sản xuất nông nghiệp tại huyện Thạch Thất đạt giá trị cao.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh, đã hình thành trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với quy mô ngày càng lớn. Toàn huyện hiện có 179 trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung theo quy hoạch ở các xã: Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung, Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan...
Đặc biệt mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng và lợn thương phẩm cho thu nhập kinh tế cao tại xã Yên Bình với trên 1.000 lợn nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 10.000 con lợn giống
Thực hiện tốt việc duy trì, bảo vệ và chăm sóc 2.088 ha rừng/3.449,8 ha đất có rừng; tiếp tục trồng mới thay thế, bổ sung 446,3 ha ở 3 xã miền núi; khai thác có hiệu quả 520 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, năng suất, sản lượng cá hàng năm tăng lên.
Đến nay, toàn Huyện có 31 HTX nông nghiệp, chủ yếu kinh doanh dịch vụ: tưới tiêu, bảo vệ, giao thông thủy lợi nội đồng, khuyến nông, dịch vụ làm đất, cung ứng giống, vật tư, phân bón, tín dụng nội bộ, thu hoạch, bao tiêu nông sản và một số HTX nông nghiệp kinh doanh bán lẻ điện phục vụ nhân dân.
“Tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt 1.707,6 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân là 3,4%/năm (vượt 0,8%/năm so với mục tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra); trong đó tỷ trọng giá trị ngành trồng trọt chiếm 49,5%, tăng 3,9%/năm; giá trị ngành chăn nuôi chiếm 50,5%, tăng bình quân 3,3%/năm” – ông Lượng cho hay.