Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội giải phóng nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đến ngày 29/9, toàn TP Hà Nội giải ngân được hơn 15.063 tỷ đồng, đạt 32,6% kế hoạch TP giao sau điều chỉnh và đạt 36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chính vì vậy, Hà Nội đang nỗ lực cùng Trung ương gỡ khó khăn, để thúc đẩy giải ngân.

Điều chuyển vốn đầu tư các dự án chậm tiến độ

Đến hết tháng 9, chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp TP Hà Nội là 5.552,415 tỷ đồng, đạt 28,8% kế hoạch TP giao sau điều chỉnh; chi đầu tư phát triển khác (giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển và Sở Tài chính Hà Nội) là 1.050 tỷ đồng, đạt 70,9% kế hoạch TP giao sau điều chỉnh; chi đầu tư cấp huyện 9.510,829 tỷ đồng, đạt 35,3% kế hoạch TP giao sau điều chỉnh. Một số sở, ngành, quận, huyện thực hiện nhiệm vụ chi thành phố có tỷ trọng cao, đạt tỷ lệ giải ngân tốt như: Thanh Trì đạt 100%, Đống Đa đạt 93%, Đan Phượng đạt 82,5%, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đạt 70,7%. Tuy nhiên, còn 8 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, gồm: Nam Từ Liêm (0%), Đông Anh (0%), Ba Đình (0%), Hoàng Mai (0%), Ứng Hòa (0,4%), Sơn Tây (3,3%), Mỹ Đức (3,9%), Thạch Thất (4,7%)…

Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giai đoạn cuối năm, đối với nguồn ngân sách cấp thành phố, UBND TP Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, dự kiến khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 của từng dự án trên tinh thần nỗ lực triển khai dự án ở mức cao nhất. 

 Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang huy động nhân lực nhằm thi công vượt tiến độ của dự án.

Qua quá trình thực hiện trên thực tế, từ đầu năm đến nay xác định nhiều dự án gặp vướng mắc, không thể đáp ứng yêu cầu tiến độ và không thể giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao, trong khi, một số dự án khác có khả năng đẩy nhanh tiến độ, có nhu cầu bổ sung vốn để thanh toán, một số dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định để có thể được bố trí vốn thực hiện và khởi công mới.

UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án để chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và tăng vốn với dự án giải ngân tốt. Đối với các dự án có sử dụng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 cần khẩn trương, tích cực triển khai dự án đúng tiến độ, tránh tình trạng hủy dự toán vốn năm 2020 kéo dài.

Về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công, UBND TP Hà Nội cho biết, Kế hoạch đầu tư công năm 2021 của TP là 51.241.326 triệu đồng. TP dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án đầu tư công với tổng số vốn giảm 746.000 triệu đồng, trong đó: Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 3.253.889 triệu đồng của 56 dự án. Điều chỉnh tăng kế hoạch vốn 2.507.889 triệu đồng của 68 dự án.

Về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP hỗ trợ ngân sách cấp huyện năm 2021. UBND TP dự kiến hỗ trợ bổ sung 1.066.000 triệu đồng thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Hỗ trợ, bổ sung 33 dự án thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội. Hỗ trợ bổ sung để thanh toán dự án hoàn thành thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa. 184 dự án của các huyện, thị xã xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn điều chỉnh, bổ sung từ nguồn vốn điều chỉnh giảm các dự án xây dựng cơ bản tập trung của TP và từ nguồn vốn đã bố trí dự toán đầu tư cho các chương trình, nhiệm vụ nhưng đến nay chưa phân bổ chi tiết và chưa sử dụng.

Sau phương án điều chỉnh kế hoach năm 2021, nguồn vốn còn lại của cấp TP còn có thể sử dụng để tiếp tục phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án là 3.529.327 triệu đồng (bao gồm 344,327 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ).

Đẩy nhanh các dự án trọng điểm

Trong quý III năm nay, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh ngành xây dựng. Đặc biệt, trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, chỉ các dự án, công trình trọng điểm, công trình xử lý cấp bách đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch được tiếp tục hoạt động.

Tình hình triển khai một số dự án như tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội: Tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng. Từ khi khởi công đến nay dự án đã giải ngân được gần 16.000 tỷ đồng, đạt 48,2% tổng vốn đầu tư. Tiến độ chung của dự án đạt trên 74% (trong đó đoạn trên cao đạt 89,4%); công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, 10 đoàn tàu và thiết bị hệ thống thu vé tự động đã được đưa về dự án để phục vụ việc lắp đặt chạy thử nghiệm cho đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy. 

Dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng với tổng chiều dài 5,4 km. Tiến độ chung toàn dự án đạt trên 60%, trong đó đoạn tuyến trên cao Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đoạn đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện, dự kiến quý I/2023 sẽ đưa vào khai thác. 

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2): Tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, được khởi công từ ngày 9/1/2021. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành công việc khoan nhồi và tiếp tục triển khai hạng mục bệ mố trụ nằm trong gói thầu. Đây là dự án trọng điểm của Thủ đô trong thời gian tới, các đơn vị đang huy động nhân lực nhằm thi công vượt tiến độ của dự án. 

Dự án đường Vành đai 3,5: Đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 có tổng chiều dài 5,6 km chạy ngang qua 4 xã thuộc huyện Hoài Đức với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện nhà thầu đang gấp rút hoàn thành dự án.

Một trong 6 Dự án trọng điểm của Hà Nội, hầm chui Lê Văn Lương cũng đang được các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, hiện tại đã hoàn thành trải thảm trái tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương. Đơn vị thi công đang tiến hành xin cấp phép rào chắn giai đoạn 2D thi công "cọc Jet" hầm kín dự kiến vào giữa tháng 10 tới đây. Công trường thi công hầm chui hiện đang triển khai 3 mũi thi công, với hơn 30 cán bộ, kỹ sư, công nhân hoạt động ngày đêm. Mọi công tác phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, khoảng cách,.. vẫn được đảm bảo đúng quy định 5K của Bộ Y Tế.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9/2021 của Văn phòng Chính phủ, tập trung, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải giao các sở, ban, ngành thuộc TP, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện nội dung liên quan tại Công điện của Văn phòng Chính phủ. Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Hà Nội tham mưu UBND TP thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Kho bạc Nhà nước TP cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, tập trung chỉ đạo các đơn vị Kho bạc thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua Kho bạc Nhà nước thuận lợi, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu để bảo đảm vốn thi công công trình. Trong đó, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, nhiều khoản chi được thanh toán trước thời gian quy định, không có hồ sơ tồn đọng; thực hiện thanh toán 100% các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án qua dịch vụ công trực tuyến, thanh toán cho các nhà thầu nhanh chóng, kịp thời.