Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội giảm hơn 70% bếp than tổ ong

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn TP, đến nay Hà Nội đã giảm chỉ còn 15.428 bếp (giảm 72,8%).

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hà Ánh)

Sáng 3/7, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị “Ra mắt trang web “Hành động vì Hà Nội”, báo cáo đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn TP.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định nhấn mạnh: “Hội nghị nhằm chia sẻ, đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời hướng dẫn xây dựng kế hoạch để tiếp tục đảm bảo đến năm 2021 không còn tình trang sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Hi vọng Hội nghị sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thảo luận và chia sẻ thông tin để kết nối các giải pháp hiệu quả, góp phần từng bước cải thiện chất lượng không khí của TP và sức khỏe của người dân”.
Theo bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, tính đến tháng 6 năm 2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017.
Theo đó, vào tháng 1 năm 2017 Hà Nội có 56.670 bếp than tổ ong, đến nay còn 15.418 bếp. Kết quả cho thấy, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 người ở Hà Nội.
Báo cáo kết quả của các quận, huyện cho thấy, Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98% và quận Long Biên giảm 91%. Bốn quận huyện trên đã giảm từ gần 15.000 bếp than tổ ong vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020.
Website Hanhdongvihanoi.org (Ảnh chụp màn hình)
Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, từ nay cho đến ngày 31/12, TP sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tại Hội nghị này, Sở TN&MT phối hợp với Các chính quyền địa phương vì sự phát triển bền vững (ICLEI) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp xây dựng website “Hanhdongvihanoi.org”, nơi những công dân của Thủ đô nói riêng và những người yêu Hà Nội nói chung có thể bày tỏ sự trân trọng các giá trị văn hóa - xã hội - môi trường và sẵn sàng cam kết hành động vì tình yêu đối với TP của mình. Các cam kết được đưa ra kèm theo những hành động thiết thực của người dân sẽ giúp Hà Nội trở thành một TP đáng sống hơn nữa.
Website gồm có 25 giải pháp thuộc 5 lĩnh vực: Năng lượng - Giao thông - Rác thải - Chất lượng không khí - Quy hoạch đô thị. Mỗi lần click “Tôi cam kết” là người dân đang thể hiện quyết tâm hành động của mình vì tình yêu và trách nhiệm đóng góp với TP.