Hà Nội: Giảm số người nhiễm HIV, tử vong do AIDS

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/11, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) tại Hà Nội.

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: "Trong những năm qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và đã có những kết quả đáng khích lệ trong việc ngăn chặn tốc độ gia tăng lây nhiễm HIV, giảm thiểu tác động của dịch HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế, xã hội”.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định: “TP Hà Nội luôn coi phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế,xã hội. Đồng thời, tôi đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của Hà Nội, đặc biệt là ngành Y tế trong triển khai các chương trình dự phòng và điều trị HIV/AIDS, góp phần làm tăng số người được tư vấn, xét nghiệm và điều trị nhiễm HIV/AIDS hàng năm cũng như làm giảm số ca nhiễm HIV mới và số người tử vong do AIDS”.

Tính đến hết tháng 10/2019, Hà Nội đã phát hiện tổng số 28.421 người nhiễm HIV, trong đó có 22.328 người còn sống; 100% quận, huyện, thị xã đã phát hiện người nhiễm HIV. Ước tính còn khoảng 5.000 còn nhiễm HIV chưa biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình; khoảng 4.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV nhưng chưa tham gia điều trị thuốc kháng virus.

Trong khi đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV chưa được xóa bỏ. Đây chính là rào cản chính khiến người nhiễm HIV/AIDS sợ lộ danh tính và e ngại khi tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và Ban Chỉ đạo 138 các địa phương có kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS.
Cùng vời đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm cộng đồng tham gia chương trình, tập trung tiếp cận nhóm có nguy cơ cao, tư vấn xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV; động viên người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV, không để xảy ra hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai kế hoạch. Ngoài ra, cần bố trí kinh phí địa phương cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là địa bàn trọng điểm, địa bàn không có hỗ trợ của các chương trình, dự án quốc tế.
Về tình hình điều trị HIV/AIDS trên cả nước, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế Phạm Đức Mạnh cho biết: “Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV cũng như sự bền vững của chương trình”.
Trong buổi lễ Mít tinh, đại diện cho nhóm có H, bà Phạm Thị Huệ (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Trước khi điều trị ARV, sức khoẻ của tôi đã suy giảm nghiêm trọng. Tôi mắc một số bệnh nhiễm trùng như nấm, viêm phổi. Nhưng đến năm 2010, tôi được bạn bè giới thiệu đến Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn để điều trị ARV.
Tại đó, tôi được các anh chị cán bộ y tế động viên tinh thần, hỗ trợ và giúp tôi trong quá trình điều trị, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho tôi. Cũng tại trung tâm, tôi không bị kỳ thị. Tất cả điều đó đã giúp sức khoẻ của tôi được phục hồi. Đến nay, tôi đã điều trị ARV được gần 10 năm và sức khoẻ của tôi đã hoàn toàn bình thường, các con tôi không bị nhiễm HIV”.
Đại diện cho nhóm có H Phạm Thị Huệ phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: Lại Tấn.
Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Huệ cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng xã hội không kỳ thị phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV.
“Sự kỳ thị phân biệt đối xử như một sức mạnh vô hình đã ngăn cản chúng tôi không dám công khai lộ tình trạng nhiễm HIV của bản thân, không dám tiếp cận với điều trị ARV. Tôi biết nhiều người thà chết chứ không công khai mình bị nhiễm H. Chính sự kỳ thị đó vô tình làm lây nhiễm HIV cho người khác” - bà Huệ cho hay.

"Việt Nam đã giảm được 65% số ca nhiễm mới từ năm 2010 - 2018, là mức giảm đáng kể nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam nổi tiếng với cách tiếp cận sáng tạo, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho mọi người để dễ dàng tiếp cận các dịch vụ HIV thân thiện.

Đó là các dịch vụ xét nghiệm do cộng đồng thực hiện, tự xét nghiệm, điều trị Methadone và PrEP. Ngoài ra, nhiều kết quả tích cực đã đạt được trong việc chuyển giao chương trình điều trị HIV từ các chương trình, dự án sang nguồn quỹ Bảo hiểm Y tế theo hướng bền vững" - Bà Marie Odile Emond - Giám đốc quốc gia UNAIDS.