Trình bày Tờ trình của UBND Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, số lượng học sinh hằng năm đều có sự biến động tăng. Trung bình mỗi năm, số học sinh các trường mầm non, phổ thông công lập tăng gần 6% (chưa tính khối các trường ngoài công lập).
Số lượng học sinh/lớp ở các trường công lập đều lớn hơn quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cá biệt có những trường tại một số quận, số lượng học sinh trung bình khối tiểu học là 56 học sinh/lớp, khối THCS là 53 học sinh/lớp.
Khi số lượng học sinh, số lượng lớp, số trường tăng, kéo theo số lượng người làm việc tại khối giáo dục cũng phải tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu "có học sinh, có lớp phải có giáo viên".
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên, năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập (không tính các trường đã nâng mức tự chủ, chuyển sang tự chủ chi thường xuyên).
Đối với lĩnh vực y tế, các trạm y tế xã, phường, thị trấn tại địa phương có dân số lớn hơn mức nhân lực tối đa theo quy định. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực y tế để bảo đảm phục vụ khám chữa bệnh, làm công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, theo báo cáo của các đơn vị, số lượng giáo viên còn thiếu 8.939 biên chế, do số biên chế viên chức được giao thấp hơn định mức số lượng người làm việc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, số giáo viên còn thiếu bậc mầm non là 1.325, bậc Tiểu học: 3.634, bậc THCS: 2.684, bậc THPT: 1.296.
Để giải quyết tình trạng trên, ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, trong đó quy định: “Đơn vị nhóm 4 thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế ký kết hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, nhưng số lượng người ký kết hợp đồng lao động chiếm không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế ban hành. Số lượng hợp đồng ký kết do HĐND cấp tỉnh hoặc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý ở Trung ương xem xét, quyết định”.
Trên cơ sở đó, việc bổ sung chỉ tiêu lao động hợp đồng cho các cơ sở giáo dục và y tế không chỉ là việc làm cần thiết, mà còn là việc làm phù hợp với quy định và yêu cầu thực tiễn.
Theo kết quả rà soát cho thấy, tổng số chỉ tiêu lao động hợp đồng đề nghị giao bổ sung cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh vực y tế năm 2023 là 3.119 chỉ tiêu. Trong đó, tổng số chỉ tiêu lao động hợp đồng lĩnh vực giáo dục cần bổ sung là 3.112 chỉ tiêu.
Cụ thể, đối với đơn vị thuộc Sở GD&ĐT, có 1/122 trường có tỉ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên dưới 10% là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Số chỉ tiêu lao động hợp đồng cần bổ sung của trường này là 3 chỉ tiêu.
Đối với đơn vị thuộc UBND quận, huyện, thị xã, có 5 quận không có đơn vị sự nghiệp công lập có tỷ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 10% là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm; Có 25 quận, huyện, thị xã còn lại đều có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 4 và tổng hợp theo từng cấp học. Số chỉ tiêu lao động hợp đồng cần bổ sung là 3.109, trong đó cấp THCS là 956, cấp Tiểu học là 1.723, cấp Mầm non là 430.
Trong lĩnh vực y tế, có 4/78 đơn vị sự nghiệp công lập có tỉ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 10%. Trong đó, có 2 đơn vị đề nghị bổ sung lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP là Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương và Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức. Như vậy, số chỉ tiêu lao động hợp đồng cần bổ sung là 7 chỉ tiêu.
Như vậy, tổng số chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023 theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP là 3.119 chỉ têu (trong đó lĩnh vực giáo dục có 3.112 chỉ tiêu; ngành y tế chỉ bổ sung 7 chỉ tiêu).
Sau khi được HĐND TP phê duyệt, UBND TP sẽ phân bổ 3.119 chỉ tiêu lao động hợp đồng trên cho các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT, Sở Y tế. Chỉ tiêu lao động hợp đồng được giao thực hiện từ tháng 8/2023 đến hết tháng 12/2023. HĐND TP yêu cầu các đơn vị ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm; quản lý, sử dụng hiệu quả số lao động hợp đồng được giao.
HĐND TP giao UBND TP có giải pháp nâng cao mức tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục công lập, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, y tế. Theo đó giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.