Hà Nội: Gìn giữ, phát huy nét đẹp gia đình văn hoá thời kỳ mới

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gia đình Đỗ Thị Dụ (Phúc La - Hà Đông) đang sống trong một nhà gồm 4 thế hệ, gồm có 39 thành viên. Tuy 4 thế hệ với những cách sống, cách suy nghĩ khác nhau, nhưng gia đình bà Dụ luôn biết nhường nhịn, thương yêu nhau.

Ngày 22/6, nhân dịp kỷ niệm 21 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2001- 28/6/2022, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt, biểu dương các Gia đình Văn hóa tiêu biểu.

Buổi gặp mặt gia đình văn hoá tiêu biểu Hà Nội. Ảnh: Minh An.
Buổi gặp mặt gia đình văn hoá tiêu biểu Hà Nội. Ảnh: Minh An.

Nét đẹp gia đình tứ đại đồng đường

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều mô hình gia đình mới được hình thành như gia đình tam đại đồng đường, gia đình hạt nhân, gia đình của các ông bố, bà mẹ đơn thân... Mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” truyền thống tuy ít đi nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị đạo đức, giáo dục và có những thay đổi theo sự phát triển của xã hội.

Bà Đỗ Thị Dụ (80 tuổi, phường Phúc La – quận Hà Đông) mặc áo dài và vấn tóc theo phong cách truyền thống của phụ nữ Hà Nội xưa đến buổi gặp mặt gia đình tiêu biểu của Hà Nội. Nhiều năm qua, bà Đỗ Thị Dụ đang sống trong một nhà gồm 4 thế hệ. Đên nay, gia đình bà Đỗ Đình Dụ gồm có 39 thành viên, trong đó có 11 con trai, con gái, con dâu, con rể, 15 cháu trái, cháu gái, cháu dâu, cháu rể, có 12 chắt. Tuy 4 thế hệ với những cách sống, cách suy nghĩ khác nhau, nhưng bà Đỗ Thị Dụ cho biết: Gia đình tôi luôn biết nhường nhịn, thương yêu nhau, tạo không khí vui vẻ, êm ấm trong gia đình. Các thành viên trong gia đình luôn gắn bó thương yêu, đùm bọc, hòa thuận, luôn tôn trọng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Bà Đỗ Thị Dụ (80 tuổi, phường Phúc La – quận Hà Đông).
Bà Đỗ Thị Dụ (80 tuổi, phường Phúc La – quận Hà Đông).
 

Gia đình điều chỉnh văn hoá bằng tình cảm; làng điều chỉnh văn hoá bằng dư luận; Nhà nước điều chỉnh văn hoá bằng pháp luật. Đó là 3 trụ cột tạo nên bản sắc bền vững của văn hoá dân tộc, mà gia đình là nơi khởi nguồn của sự hình thành, định hình, bảo lưu, bồi đắp các giá trị.

PGĐ Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh

Hiện nay, nhiều gia đình tam tứ đại đồng đường vẫn duy trì nét đẹp truyền thống song đã có sự gợi mở, thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Nhiều năm nay, gia đình bà Ngô Thị Yên (82 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn duy trì 4 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Bà Yên sinh được 5 người con, trong đó, 2 cô con gái đầu đã lấy chồng xa. Vợ chồng bà chung sống với vợ chồng, con cháu của 3 người con trai. 10 thành viên cùng sinh hoạt chung nhưng vẫn luôn ấm êm, hạnh phúc.

Trong gia đình, bà không sắp xếp công việc cho mỗi người mà ai cũng chủ động, tự giác làm. Khi thấy có hiểu lầm giữa các con cháu, bà Yên là người “cầm cân”, gọi con ra phân tích, ôn tồn chỉ bảo. “Tôi luôn nghiêm khắc nhắc nhở con cháu không được nặng lời, có chuyện gì phải bình tĩnh chia sẻ rõ ràng, nhờ vậy mà mọi người đều hiểu nhau hơn. Bản thân tôi cũng phải làm gương cho con cháu, không đối xử bất công, nặng nhẹ với bên nào, không trách mắng, lớn tiếng với các con. Nếu trong nhà luôn giữ nếp nhà thì mọi người sẽ đồng lòng, hoà thuận vui vẻ bên nhau” – bà Ngô Thị Yên chia sẻ.

Gia đình bà Ngô Thị Yên.
Gia đình bà Ngô Thị Yên.

Nhà bà Ngô Thị Yên có đủ điều kiện để con cháu ra ở riêng nhưng các con, ngay cả con dâu của bà cũng đều không muốn tách ra khỏi đại gia đình này. Đến đầu năm 2021, khi vợ chồng anh con út Nguyễn Văn Trung chào đón con trai đầu lòng, bé hay khóc đêm nên ít nhiều ảnh hưởng đến các thành viên khác. Do đó, bà Yên đề nghị các con ở riêng để các con trải nghiệm ít nhiều tính tự lập, tự chủ hơn, có không gian riêng thoải mái, tiện hơn cho sinh hoạt, công việc đặc thù của mỗi nhà. Hơn 1 năm nay, bà Yên ở với gia đình con trai lớn.

Dù vậy, đều đặn cuối tuần, các con cháu lại sắp xếp công việc để tề tựu về nhà anh cả, cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình luôn giữ mối liên lạc với nhau, dành cho nhau sự tôn trọng, đều đặn quan tâm, hỏi han sức khỏe của mẹ. Dịp nghỉ lễ, đại gia đình bà lại tổ chức đi du lịch để gắn kết tình cảm. 

Nhân rộng gia đình văn hoá

TP Hà Nội, đang trong xu thế hội nhập sâu rộng và đổi mới mạnh mẽ, công tác Gia đình Thủ đô đối diện với nhiều thách thức. Vì vậy, trong những năm qua, công tác gia đình đã được Thành ủy, HĐND và UBND TP quan tâm chỉ đạo, bằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình công tác của Thành ủy trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, như: Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy nhiệm kỳ Đại hội XIV; Chương trình số 04-CTr/TU nhiệm kỳ Đại hội XV, XVI và Chương trình 06-CTr/TU nhiệm kỳ Đại hội XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và giáo dục - Sở VH&TT Hà Nội Bùi Minh Hoàng: Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời phát huy vai trò tích cực của gia đình đối với sự phát triển xã hội, TP chủ trương và tập trung xây dựng triển khai, thực hiện 3 nội dung cốt lõi, đó là: Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng; hoàn thiện các mẫu hình văn hóa là kiến tạo môi trường lành mạnh để phát triển, đáp ứng với tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh.

Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện nhiều Gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực, như: Gia đình không bạo lực, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không tệ nạn xã hội, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi… là những điểm sáng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.

 

Ngày 21/6/2022, Sở VH&TT Hà Nội có Quyết định só 477/QĐ-SVHTT về việc tặng Giấy khen cho các gia đình tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022. Theo đó, Sở VH&TT Hà Nội tặng Giấy khen hộ 30 gia đình tiêu biểu. Mức tiền thưởng thực hiện theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.