Hà Nội: "Gỡ" khó cho cấp thẻ CCCD và kích hoạt tài khoản định danh

Đào Tuyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ban chỉ đạo Đề án 06 của TP Hà Nội, Ban chỉ đạo đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Sẽ chỉ đạo nghiên cứu, có giải pháp hoặc báo cáo, đề xuất phương án thực hiện cấp CCCD gắn chíp cho nhóm đối tượng yếu thế...

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo triển khai Đề án 06 của TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn TP Hà Nội đã thu nhận 4.676.483 trường hợp cấp định danh điện tử (đạt 75,2%), đã kích hoạt tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 2.380.703 trường hợp (đạt 38,3%).

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ CCCD cho nhân dân trên địa bàn TP, đảm bảo đúng quy trình, quy định của Luật Căn cước công dân, trong 06 tháng, toàn TP thu nhận 375.759 hồ sơ Căn cước công dân (cấp mới 200.011 hồ sơ; hồ sơ cấp đổi 47.715 hồ sơ; hồ sơ cấp lại 128.033 hồ sơ).

Hà Nội tập trung khắc phục khó khăn trong “phát triển công dân số”. Ảnh: Tuyết Nhi
Hà Nội tập trung khắc phục khó khăn trong “phát triển công dân số”. Ảnh: Tuyết Nhi

Đặc biệt, ngày 5/5/2023 Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh 01 về tập trung chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn Hà Nội (từ 10/5 đến 30/6). Từ ngày 10/5/2023 đến ngày 14/6/2023 toàn TP thu nhận 98.277/134.329 hồ sơ cấp CCCD lần đầu (đạt 73,2%).

Tính đến ngày 14/6/2023, toàn TP đã tiếp nhận 47.856/97.319 trường hợp đề xuất hủy, xác lập lại số định danh cá nhân (trong đó: Số hồ sơ đã đề xuất Cục C06 47.344 trường hợp; đã có Quyết định hủy của Cục C06 45.756 trường hợp).

Cũng theo Ban chỉ đạo, từ 22/3/2023, UBND TP đã thống nhất về chủ trương triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu việc tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay, TP đã triển khai thực hiện việc cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tính đến 15/6/2023, có 4 nhà mạng (VNPT, Viettel, FPT và BKAV đã thực hiện cấp hơn 10.000 chữ ký số cho công dân) và tiếp tục thực hiện tại các đơn vị trên toàn địa bàn TP.

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) cũng đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm cấp được trên 1.100 chữ ký số tại gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân Thủ đô tổ chức ở không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần.

Theo Ban chỉ đạo Đề án 06 của Hà Nội, hiện nay, nhiều trường hợp công dân vẫn còn Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, Căn cước công dân mã vạch còn giá trị sử dụng dẫn đến gây khó khăn cho Công an cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền vận động, mời người dân đi làm căn cước công dân gắn chip.

Một số các trường hợp công dân thuộc các trường hợp đặc biệt như: Người lang thang, cơ nhỡ, không có chỗ ở; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại các cơ sở trợ giúp xã hội, tại cộng đồng; người chấp hành xong án phạt tù, tha tù trước thời hạn… hiện nay không có nơi đăng ký thường trú, gây khó khăn cho công tác thu thập, cập nhật thông tin công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân.

Nhiều trường hợp người già, yếu thiếu thông tin ngày sinh, tháng sinh nhưng do không nhớ được thông tin đầy đủ cũng như không có tài liệu pháp lý chứng minh nên gây khó khăn trong việc bổ sung thông tin ngày, tháng sinh cho công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân để làm thủ tục cấp căn cước công dân.

Hiện nay, một số tính năng của tài khoản định danh điện tử (thay thế một số loại giấy tờ trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch cá nhân) chưa được áp dụng nhiều trong thực tế nên người dân chưa thấy được tiện ích của việc đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Trang web http://dinhdanhdientu.dancuquocgia.bca chức năng tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ, mục "Lý do không được cấp" chỉ có nội dụng cá nhân có số điện thoại trùng với số điện thoại của tài khoản khác đang sử dụng không có cụ thể trùng với tài khoản nào, cán bộ không xác định được rõ nguyên nhân để hướng dẫn công dân và khắc phục hồ sơ trong công tác cấp tài khoản định danh điện tử. Khi công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 thì mã OTP gửi về chậm hoặc không có tin nhắn gửi về công dân.

Bên cạnh đó, cũng có một số vướng mắc khi triển khai thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3 đối với các trường hợp cấp mới, cấp đổi, cấp lại CCCD và cấp Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân, căn cước công dân như đối với các trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận hai số qua cổng Dịch vụ hành chính công chưa có mục số điện thoại của công dân để liên hệ; Thủ tục cấp Giấy xác nhận hai số chứng minh nhân dân/căn cước công dân; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn về quy trình thực hiện khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký qua dịch vụ hành chính công mức độ 4 (hiện nay, chỉ có tài liệu hướng dẫn thao tác trên phần mềm).

Cán bộ thực hiện công tác cấp CCCD, định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến đều là cán bộ kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng 1 thời gian; Hệ thống chưa có mục thống kê bao nhiêu trường hợp đã đăng ký DVC, chưa thể hiện được công dân đã được giải quyết hồ sơ hay chưa? (phần mềm quản lý và khai thác hồ sơ hoàn chỉnh có cho phép thống kê được số lượng các trường hợp đăng ký trực tuyến, đồng thời, đối với trường hợp cấp Giấy xác nhận 2 số CMND/CCCD sau khi cán bộ thao tác in Giấy xác nhận 02 số CMND/CCCD thì hệ thống tự cập nhật tình trạng kết thúc hồ sơ đăng ký của công dân, đối với trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD đăng ký trực tuyến thì hệ thống vẫn để tình trạng là "đang xử lý" do chức năng quản lý giao nhận thẻ CCCD trên phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu hồ sơ hoàn chỉnh bị lỗi chưa cập nhật tình trạng nhận và trả thẻ cho công dân nên hồ sơ của công dân chưa "kết thúc".

Ngoài ra, thực tế vẫn tồn tại một số trường hợp công dân đã đăng ký trực tuyến trên dịch vụ công nhưng khi đến nơi tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD thì cán bộ thu nhận tra cứu không có thông tin đăng ký của công dân.

Trước những khó khăn trên, Ban chỉ đạo Đề án 06 của TP đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, sẽ chỉ đạo nghiên cứu, có giải pháp hoặc báo cáo, đề xuất phương án thực hiện cấp CCCD gắn chíp cho nhóm đối tượng yếu thế hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của TP, đảm bảo việc thực hiện quyền lợi về an sinh xã hội cho nhóm đối tượng nêu trên.

Nghiên cứu triển khai dịch vụ công linh hoạt, sáng tạo để thu hút người dân thực hiện (tại các khu chung cư, đô thị, hệ thống một cửa cấp xã…). Triển khai mô hình điểm theo hướng dẫn của Tổ công tác triển khai Đề án 06. Trên cơ sở tình hình thực tế, khả năng và nguồn lực của TP, ban hành Kế hoạch để thống nhất tổ chức thực hiện…