Hà Nội: GRDP 9 tháng đầu năm 2020 tăng 3,27%

Trần Long - Thuỷ Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/9, Thường trực Thành uỷ - HĐND – UBND TP tổ chức Hội nghị giao ban quý III/2020 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến, bàn về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.
Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển năm 2020
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, TP còn mời một số DN dự hội nghị để bàn kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của quý III, luỹ kế 9 tháng năm 2020. Đồng thời, qua đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong quý IV để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2020.
 “Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và 9 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh tác động nhiều tới mọi mặt của xã hội. Thời điểm này, TP đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Tuy nhiên, không vì thế mà TP xao nhãng việc phát triển kinh tế - xã hội, quản lý thu chi ngân sách” - Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh. 
Theo Bí thư Thành uỷ, vấn đề đang cấp bách hiện nay là kết cấu hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông… Vì vậy, Thường trực Thành uỷ chủ trương tổ chức hội nghị giao ban. Cách đây khoảng 20 ngày, Thường trực Thành uỷ cũng đã có buổi giao ban chuyên đề về tình hình thu chi ngân sách, đầu tư công và đã có thông báo gửi tới các đơn vị. Tuy nhiên, sau 10 ngày tình hình có nhiều chuyển biến. Thông qua hội nghị hôm nay để có so sánh với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm.
“Các đại biểu cần tập trung phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý III để tìm ra điểm mạnh để phát huy, điểm yếu kém thì cần khắc phục và điểm nghẽn cần tập trung giải quyết. Trước mắt, cần xem trong quý IV thì cần làm những gì để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2020” - Bí thư Thành uỷ lưu ý.
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trình bày báo cáo tại hội nghị.
Thành lập 5 Tổ công tác liên ngành đôn đốc thu ngân sách
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý III, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, mặc dù do tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng được chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của DN và toàn thể Nhân dân Thủ đô, các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được dần tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi. Thu ngân sách cơ bản được đảm bảo; quản lý đô thị được đẩy mạnh; xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo…
Cụ thể, quý III/2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 3,05% - gấp 1,16 lần mức tăng của cả nước (tăng 2,62% và TP Hồ Chí Minh tăng 1,15%). Tuy thấp hơn quý I (tăng 4,43%) nhưng cao hơn quý II (tăng 2,41%) thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng đầu năm GRDP tăng 3,27% - gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước (tăng 2,12%; TP Hồ Chí Minh tăng 0,77%). 
Về xuất, nhập khẩu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ, kim ngạch xuất khẩu quý III ước đạt 5,3 tỷ USD (tăng 10,3%) và lũy kế 9 tháng đạt 12,14 tỷ USD (tăng 0,9% so với cùng kỳ). Kim ngạch nhập khẩu quý III ước đạt 7,01 tỷ USD (giảm 10,8%) và lũy kế 9 tháng đạt 20,78 tỷ USD (giảm 9,5%). Về thành lập DN, quý III có 7.100 DN được thành lập với vốn đăng ký 85,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm có 19.727 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 260,8 nghìn tỷ đồng. 
Đối với huy động vốn đầu tư xã hội, TP tiếp tục chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục về đầu tư; thành lập 5 Tổ công tác liên ngành đôn đốc thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình và hoàn thành thủ tục giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý III ước đạt 113,15 nghìn tỷ đồng (tăng 9,2% so với cùng kỳ) và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 265,32 nghìn tỷ đồng (tăng 7,3% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, tổng thu NSNN trên địa bàn TP ước thực hiện quý III là 50.027 tỷ đồng (đạt 17,9% dự toán); lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 là 176.937 tỷ đồng (đạt 63,5% dự toán, bằng 92,8% so với cùng kỳ). Nếu tính cả tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thì tổng thu NSNN trên địa bàn TP ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2020 là 190.766 tỷ đồng (đạt 68,4% dự toán, bằng 100,1% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương ước thực hiện quý III là 16.242 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 là 48.124 tỷ đồng (đạt 46,6% dự toán năm và tăng 4,9% so với cùng kỳ)…
 Quang cảnh hội nghị từ điểm cầu chính Thành uỷ Hà Nội.
Đặt mục tiêu tăng trưởng quý IV từ 5,0% trở lên
Căn cứ xu hướng sản xuất, kinh doanh, TP đặt mục tiêu tăng trưởng quý IV từ 5,0% trở lên (để đảm bảo tăng trưởng cả năm dự kiến cao gấp 1,3 lần cả nước) với kịch bản dịch covid-19 trong cả nước được kiểm soát, không có ca nhiễm trong cộng đồng, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch.
Thành phố tiếp tục quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì phát triển, tập trung hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2020 và toàn bộ 136 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình số 07/CTR-UBND đã đề ra từ đầu năm.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phục hồi tăng trưởng, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, đảm bảo cung cầu hàng hóa. Cụ thể, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất (100%) trong năm tài chính 2020; phát huy hiệu quả 5 Tổ công tác liên ngành đôn đốc thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tập trung tái đàn lợn và phấn đấu cao nhất hoàn thành mục tiêu 1,8 triệu con lợn và triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2020.
Đặc biệt, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhất là kế hoạch đầu tư công 2021-2025. Đảm bảo tốt công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nội dung chuẩn bị phục vụ chương trình làm việc của Thành ủy quý IV, Kỳ họp HĐND TP cuối năm 2020...

Đẩy nhanh tiến độ các dự án về môi trường, cấp thoát nước

Tại hội nghị, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đã trao đổi, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và những kiến nghị, đề xuất với TP. Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, tính đến 31/8/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn mới đạt 319 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch. Đối với các nhiệm vụ TP giao, huyện đã hoàn thành 294/296 nhiệm vụ. Trong những tháng cuối năm, Chương Mỹ kiến nghị TP quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện; sớm phê duyệt và triển khai dự án cải tạo tuyến đê tả Bùi, hữu Đáy để người dân trong vùng yên tâm sinh sống; triển khai dự án mở rộng QL6 để giảm ùn tắc giao thông; đặc biệt sớm phê duyệt quy chế hỗ trợ của các quận cho các huyện trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trường học, nhà văn hóa...

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đến nay, quận đã hoàn thành 10/16 chỉ tiêu TP giao. Về thu ngân sách, quận đã thu được 7.700 tỷ, đạt 74% và phấn đấu đến cuối năm hoàn thành thu 2.600 tỷ, đạt dự toán TP giao. Về triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận, Long Biên sẽ phấn đấu phê duyệt 3 chương trình công tác toàn khóa để triển khai trong tháng 10; đồng thời tập trung phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch đầu tư công trung hạn... Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên, quận đã báo cáo TP 38 dự án đầu tư công trung hạn và đã được TP chấp thuận 12 dự án, đối với 26 dự án còn lại, Long Biên kiến nghị TP tiếp tục quan tâm để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn bởi đây là những dự án cấp bách, liên quan đến môi trường, cấp thoát nước...

Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, đến nay quận đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 52%, bố trí cho 28 dự án chuyển tiếp và 14 dự án khởi công mới. Từ nay đến cuối năm, quận tập trung hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách. Trong đó, về thu ngân sách, quận sẽ tập trung đôn đốc thu hồi nợ đọng của các doanh nghiệp liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng; tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, chống thất thu thuế và đẩy mạnh các khoản thu từ thương mại, dịch vụ...

 Phó Giám đốc Sở Du lịch Ngô Minh Hoàng báo cáo tại hội nghị

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ngô Minh Hoàng cho biết, dịch Covid-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch, lữ hành, khách sạn, dịch vụ của TP. Để giảm thiểu thiệt hại, Sở đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu, trong đó có ký biên bản với 3 hãng hàng không. Từ tháng 7/2020, Vietnam Airline đã giảm giá vé cho khách đến Hà Nội; 14 khách sạn cũng giảm giá buồng phòng, có nơi giảm tới 60% để kích cầu. Với các biện pháp đề ra, Sở đặt mục tiêu cả năm nay Hà Nội sẽ đón 10 triệu lượt khách du lịch. 

Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, hiện nay có 4 đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ nông thôn mới trình Trung ương, đó là thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín; 3 huyện đang hoàn thiện hồ sơ là Thanh Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn để phấn đấu đến cuối năm TP có thêm 7 huyện được công nhận đạt nông thôn mới.

Không vì Đại hội sao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, mặc dù chịu tác động của dịch Covid – 19, nhưng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý III, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 của TP đạt được rất tích cực so với bình quân chung của cả nước. Trong đó, phát triển nông nghiệp có sự bứt phá mạnh và chỉ số phát triển công nghiệp tăng mạnh hơn bình quân chung. Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng UBND TP cần đi sâu phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của một hạn chế, nhất là xu hướng giảm của một số lĩnh ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

 Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo; xây dựng kế hoạch hàng ngang với các nhiệm vụ cần thực hiện gửi các sở, ngành, quận, huyện. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch trọng tâm thực hiện cho địa phương, đơn vị mình, tạo tâm thế để bước vào Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các đơn vị, không để vì Đại hội mà sao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ khác được giao. Đồng thời, cố gắng từ nay đến cuối năm giảm bớt thanh tra, kiểm tra vụ việc, tuy nhiên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và quá trình thanh tra, kiểm tra tránh trùng lặp, chồng chéo. Ngoài ra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và không để công việc ách tắc, trì trệ.

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý nhiệm vụ thực hiện Đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị; Đề án thực hiện  Nghị quyết 115 của Quốc hội về thực hiện cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù. Trong đó, khẳng định vai trò điều tiết của TP trong việc các quận hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới; rà soát lại các quy định T.Ư, TP  nếu có vướng mắc thì cần có đề xuất để xử lý.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương chưa phê duyệt quy hoạch chung TP. Do đó, trong quý IV, TP cần hoàn thành phê duyệt quy hoạch cho các huyện và hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch của TP Hà Nội. Đồng thời, cần phủ kín quy hoạch phân khu, trước hết là đối với 4 quận nội đô, các đô thị vệ tinh; chủ động triển khai xây dựng quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy; sớm hoàn thiện quy hoạch cung cấp nước sạch để nâng tỷ lệ cấp nước cho người dân.

Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng của TP trong năm 2020 phải đạt từ 4 – 4,5%, Bí thư Thành ủy đề nghị, tiếp tục triển khai kết quả hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2002, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đôn đốc khởi công, hoàn thành các dự án trọng điểm về giao thông; rà soát để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chậm triển khai. Tăng cường đẩy mạnh CCHC, thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của TP; đảm bảo an sinh xã hội gắn với chăm lo cuộc sống cho người nghèo.