Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Hạ tầng giao thông tại nhiều KĐT chưa thực hiện theo quy hoạch

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên nhân của rất nhiều vấn đề giao thông – quy hoạch tại Hà Nội hiện nay còn thiếu yếu tố khoa học từ tầm nhìn đến giải pháp cụ thể, từ nội dung văn bản đến triển khai áp dụng. Vì vậy vầ đề thách thức và cấp bách hiện nay là việc tăng hàm lượng khoa học cho các văn bản chính sách.

Đây là nội dung được các nhà khoa học đề cập tại buổi hội thảo khoa học “Giao thông – quy hoạch vấn đề và giải pháp cho Hà Nội được Trường ĐH Xây dựng Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức sáng 29/6.
 Toàn cảnh buổi hội thảo
Tại buổi Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Quang Đạo - Khoa Cầu đường, trường ĐH Xây dựng khẳng định, thời gian qua TP Hà Nội luôn lo lắng, quan tâm đầu tư từ nguồn lực đến các hoạt động triển khai cho vấn đề giao thông – quy hoạch. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chậm so với yêu cầu, nhiều giải pháp vận dụng cả dài hạn và ngắn hạn còn hạn chế về tính hiệu quả và bền vững. Vấn đề quy hoạch - giao thông luôn là vấn đề thách thức trong công cuộc phát triển Thủ đô hiện nay. Để phát triển bền vững thì tư duy khoa học phải là nguyên tắc cốt lõi và bắt buộc. Theo đó, TP cần phải tập trung xây dựng hoàn chỉnh văn bản chính sách theo hướng rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản cũ, xây dựng các văn bản mới đa dạng, đúng loại, hàm lượng khoa học cao. Đồng thời tăng nhiều loại văn bản kỹ thuật cơ sở mang tính Hà Nội như: tiêu chuẩn, quy tắc, hướng dẫn, chỉ dẫn, quy trình, sổ tay… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần thành lập Viện hay Phân viện khoa học và chính sách phát triển GTVT; tổ chức lại Trung tâm điều hành giao thông theo đúng mô hình chuyên môn và nghiên cứu triển khai kết nối giao thông trong môi trường đô thị thông minh.

Nhìn nhận trên góc độ thực tế, PGS, TS Hồ Ngọc Hùng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng cho rằng, cũng như các đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội đang đối mặt với vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này thì việc lập quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hay tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển giao thông là vấn đề bắt buộc. Theo PGS, TS Hồ Ngọc Hùng, trong cuộc sống hàng ngày người dân đô thị phải thực hiện nhiều chuyến đi khác nhau với nhiều mục đích khác nhau, bằng những phương thức khcs nhau như sử dụng giao thông công cộng, đi bộ, đi xe đạp, xe máy, ô tô. Mô hình tích hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông không những cung cấp sự lựa chọn phương thức giao thông, làm tăng tỷ lệ các chuyến đi lại hàng ngày của người dân bằng các phương tiện giao thông công cộng, đi bộ, đi xe đạp mà còn giúp chúng ta quản lý nhu cầu đi lại như giảm thiểu số lượng chuyến đi, giảm chiều dài của chuyến đi.

Nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, giao thông – quy hoạch là hai vấn đề quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị. Đối với TP đang phát triển như Hà Nội thì nó càng thu hút sự quan tâm của xã hội. Vấn đề lớn nhất đối với Hà Nội hiện nay là việc thực hiện quy hoạch chưa tốt dẫn đến quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường. Nếu thực hiện được đúng theo quy hoạch thì các vấn nạn sẽ giảm đi rất nhiều. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch luôn là công việc khó khăn, phức tạp chính vì vậy làm phát sinh rất nhiều vấn đề gây bức xúc. Ví dụ, phát triển nhiều khu đô thị mới nhưng tỉ lệ lấp đầy dân cư còn thấp do chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ hạ tầng dẫn đến khu vực nội thành vẫn đang quá tải. Trong quy hoạch các khu đô thị mới thường đã tính đến sự đồng bộ khép kín các hoạt động của con người, tuy nhiên nhiều khu chưa làm được. Việc phát triển hạ tầng giao thông tại các khu đô thị mới còn ì ạch. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển đô thị đang thiếu sự chủ động của các nhà quản lý, đây là giải pháp gốc cần được giải quyết.