Hà Nội: Hạn chế tình trạng cố tình đi lễ bằng mọi cách

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngay từ những ngày trước Tết Nguyên đán, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức các đoàn ghi nhận, kiểm tra giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thực hành tín ngưỡng ở các cơ sở thờ tự. Để hiểu rõ hơn về các quy định đi lễ trong mùa dịch, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, người trực tiếp dẫn đầu các đoàn kiểm tra giám sát của Sở tại các di tích trong thời gian qua.

Bà Trần Thị Vân Anh.

Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đối phó với dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở VH&TT Hà Nội rất sát sao với công tác quản lý, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở thờ tự nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Qua quá trình kiểm tra, bà đánh giá gì về tình hình thực tế tổ chức quản lý ở các địa phương?

- Tôi ghi nhận nhiều Ban quản lý có cách làm sáng tạo để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ngay tại các di tích do Sở VH&TT quản lý, nằm ở khu trung tâm, đón một lượng khách lớn cũng đảm bảo tốt tiêu chí 5K. Tại di tích đền Ngọc Sơn do mở cửa miễn phí cho người dân đi lễ những ngày đầu Xuân nên lượng người tham quan di tích lên đến hàng nghìn người/ngày. Nhưng tại đây đã bố trí máy rửa tay tự động trong vòng 3s, đo thân nhiệt từng du khách, sẵn sàng từ chối đón tiếp du khách không đeo khẩu trang. Tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn có lực lượng bảo vệ nhắc nhở người dân xếp hàng bảo đảm giãn cách khi mua vé, chờ xin chữ... Du khách đến di tích phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ở khu vực cổng vào. Ngoài ra, Trung tâm cũng bố trí vách ngăn ông đồ và người xin chữ, khoảng cách bảo đảm 2m. Đền Voi Phục, chùa Hà… đều phân luồng khách ra, khách vào để tránh tình trạng đông đúc quá tải.

Tuy nhiên, phải thừa nhận dù đã nỗ lực quản lý, nhưng lượng người đến du Xuân lễ Phật ở các di tích và đền chùa rất đông, nhiều người chưa có ý thức phòng dịch, đeo khẩu trang khi vào cửa, nhiều người vào trong di tích lại bỏ khẩu trang… Chính vì vậy, nhiều di tích như Phủ Tây Hồ đã phải thông báo đóng cửa tạm thời vào chiều mùng 1 Tết. Vấn đề an toàn phòng dịch chưa bảo đảm, trong khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu đóng cửa các di tích trên địa bàn từ 0 giờ ngày 16/2 đến khi có thông báo trở lại.

Được biết ngày 14/2 bà đã trực tiếp đi kiểm tra công tác quản lý, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch covid-19 TP Hà Nội tại chùa Hương. Bà có thể thông tin về công tác kiểm tra ghi nhận tại đây?

- Ngày 14/2, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội tại chùa Hương. Chúng tôi ghi nhận huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo Ban quản lý danh thắng Hương Sơn bố trí lực lượng hướng dẫn du khách không biết nên vẫn đến lễ quay về, đóng cửa bến đò, yêu cầu thuyền đò tạm dừng hoạt động. Bên trong chùa Thiên Trù và động Hương Tích những người làm công tác trông coi cũng chấp hành nghiêm chỉnh quy định giãn cách theo quy định. Tại buổi kiểm tra, tôi đề nghị huyện Mỹ Đức phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu Hà Nội dừng tất cả các lễ hội đầu năm. Các đơn vị có lễ hội kéo dài như ở chùa Hương thì tính toán, từ nay đến rằm tháng Giêng tạm thời không đón khách thập phương; công khai để đảm bảo kỷ cương chung. Không được nhập nhằng chuyện không tổ chức lễ hội nhưng tổ chức đón khách, yêu cầu Ban quản lý danh thắng Hương Sơn phải chấp hành nghiêm quy định.
Người dân vái vọng tại chùa Hà. Ảnh: Lại Tấn
Những ngày qua, báo chí có phản ánh tình trạng “cò” chèo kéo khách đi lễ chui với giá đò, giá dẫn lễ hàng triệu đồng/lần. Sở đã có nhắc nhở gì với Ban quản lý danh thắng Hương Sơn nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức, chấp hành đúng quy định của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP?

- Địa bàn khu di tích danh thắng Hương Sơn nằm trong trong diện tích rộng lớn nên công tác quản lý, ngăn chặn việc lách quy định đón khách cũng tạo ra những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, không thể biện lý do vì khó khăn mà không tăng cường quản lý, để cò dẫn khách, lách quy định đi lễ. Chính vì vậy, Sở VH&TT đã đề nghị UBND huyện Mỹ Đức cũng như Ban quản lý phải tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở Nhân dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch; không vì một vài đồng thu lợi của bản thân để xảy ra hậu quả là lây lan dịch cho cộng đồng.

Ký cam kết không vi phạm

Nếu với các cơ sở tín ngưỡng cố tình vi phạm, bố trí nhóm phật tử đi cửa sau vào lễ chùa thì sẽ có hình thức xử phạt như thế nào để quy định của TP được chấp hành nghiêm minh?

- Hiện nay, theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được phân cấp cho Chủ tịch UBND quận, huyện thị xã chịu trách nhiệm, phối hợp để tuyên truyền xử lý. Để thực hiện các biện pháp phòng dịch, các chủ đình, đền, chùa… đều đã phải ký cam kết với chính quyền địa phương về các phương án phòng dịch, đặc biệt là không được tự ý mở cửa các cơ sở tín ngưỡng, cho tập trung đông người khi chưa có quyết định mới của TP. Việc làm này đã hạn chế rất nhiều tình trạng cố tình vi phạm quy định. Một số người dân chưa biết các quy định nên đến cửa chùa cũng chỉ vái vọng bên trong, hạn chế rất nhiều số lượng người dân cố đi lễ bằng mọi cách.

Trong thời gian tới, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, chấp hành quy định của UBND TP tại di tích đình, đền, chùa như thế nào trong dịp Xuân 2021?

- Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài, Sở tiếp tục giao Thanh tra Sở thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chỉ đạo của T.Ư và TP trong công tác phòng, chống dịch tại các di tích. Thường xuyên nắm bắt thông tin qua các phương tiện truyền thông báo chí, mạng xã hội và đường dây nóng của Sở về việc chấp hành các quy phòng chống dịch bệnh. Sở cũng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân kịp thời phản ánh những địa phương, đơn vị, cá nhân lơ là trong phòng chống dịch bệnh để kịp thời xử lý.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần