|
Ùn tắc giao thông trên phố Láng Hạ. Ảnh: Thanh Hải |
Người dân chịu hậu quả nặng nề nhất
Hà Nội hiện có khoảng 6,5 triệu phương tiện cơ giới đăng ký lưu hành; khoảng 2 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn; chưa kể đến các loại xe chuyên dụng khác.
Mặc dù thời gian qua TP đã rất nỗ lực phát triển hạ tầng; tối ưu công tác tổ chức giao thông; tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhưng UTGT vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Không chỉ ùn tắc, lượng khí thải từ phương tiện cơ giới cũng đang đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của Thủ đô. Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội thông tin, hiện mỗi năm TP đang dùng trên 50% ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Nhưng càng ngày mức sống của người dân càng được nâng cao, giá thành phương tiện giảm. Nên dù có đầu tư bằng tất cả nguồn lực, hạ tầng cũng không thể theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện cơ giới.
Nếu không nhanh chóng phát triển vận tải công cộng sẽ khó có thể đạt được lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân như đã đưa ra trong Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Hiện có một số loại hình vận tải công cộng đầu tư thấp mà vẫn có thể mang lại hiệu quả cao như: Tramway (xe điện bánh hơi). Sở GTVT Hà Nội cần nghiên cứu, tham mưu cho TP xem xét, áp dụng vào hệ thống vận tải công cộng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng |
Bài học thiết thực từ tất cả các đô thị phát triển trên thế giới là, bên cạnh nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng, không thể không có biện pháp hạn chế phương tiện giao thông. Thế nhưng, trong quan niệm của không ít người dân vẫn đang tồn tại câu hỏi: “Cấm xe máy thì đi bằng gì?”.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, TP hiện có 123 tuyến xe buýt (100 tuyến được trợ giá) với 1.915 xe; mạng lưới đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 438/584 xã, phường, thị trấn (đạt 75%). Xe buýt cũng được kết nối với 62/71 bệnh viện (đạt 87%); 190/283 trường THCS, THPT (đạt 67%); 27/27 các khu công nghiệp (đạt 100%); 30/30 các khu đô thị (đạt 100%). Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đi vào khai thác với năng lực vận chuyển gần 1.000 người/lượt; đoạn tuyến trên cao ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến được đưa vào khai thác từ năm 2020.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù chưa đáp ứng được tối đa nhu cầu đi lại của người dân, nhưng TP cũng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống vận tải công cộng. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn khó từ bỏ thói quen sử dụng xe cá nhân, nhưng đó không phải hoàn toàn do lỗi của hệ thống vận tải công cộng.
Không thể cứ mãi luẩn quẩn
Có một thực tế là hệ thống xe buýt của Hà Nội đang không phát huy được tối đa hiệu quả, năng lực vận chuyển của mình. Vấn đề lớn nhất của xe buýt là bị hạn chế về tốc độ di chuyển; mà nguyên nhân trực tiếp lại chính là lưu lượng phương tiện cá nhân quá lớn giành giật với xe buýt từng mét đường lưu thông.
Hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải đối với xe máy, trong khi đó lượng phương tiện này tại Hà Nội quá lớn, trong đó không ít xe cũ nát, phát thải độc hại với môi trường. Cần sớm có biện pháp hạn chế, tiến tới cấm xe máy trong nội đô để cải thiện môi trường, chất lượng không khí. Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông |
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, nhiều xe đi cùng một thời điểm, trên cùng một tuyến đường thì đương nhiên sẽ chật chội, chậm chạp. Không ít người ý thức kém, ích kỷ, tận dụng mọi khe hở để chen chúc, luồn lách, khiến giao thông hỗn loạn, tắc càng thêm tắc. Xe buýt cồng kềnh, không chen lấn được nên đương nhiên đi chậm. Đi chậm không đáp ứng được yêu cầu về thời gian thì khách bỏ sang đi xe cá nhân. Như thế đường càng đông xe lại càng tắc.
Các chuyên gia cho rằng, giải quyết vấn đề UTGT và ô nhiễm môi trường không thể trông chờ vào biện pháp đơn lẻ nào. Cùng với việc phát triển hạ tầng, không thể thiếu biện pháp hạn chế phương tiện; cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông không thể thiếu xử phạt nghiêm khắc để răn đe. Cũng không thể chỉ hạn chế xe máy mà để lượng ô tô dễ dàng tăng vọt.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện chia sẻ, Hà Nội không cấm xe máy mà là hạn chế lưu thông vào một số khu vực có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường cao. Việc hạn chế này áp dụng đối với phương tiện cơ giới nói chung chứ không chỉ là xe máy. Ở một số khu vực nhất định đó, vận tải công cộng đã và đang được đầu tư mạnh mẽ để phục vụ Nhân dân đi lại.
Cần sử dụng công cụ tài chính để điều chỉnh hành vi đối với người sử dụng phương tiện giao thông. TP không cấm sở hữu nhưng chi phí cho việc sử dụng xe cá nhân cao, từ đỗ gửi, bảo hiểm... sẽ khuyến khích được người dân hạn chế sử dụng xe riêng và đến với phương tiện vận tải công cộng. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải |