Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Hàng trăm hộ dân ở ngoại thành phải di dời do ngập úng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù không là trọng tâm bão số 3 đổ bộ, tuy nhiên, hoàn lưu sau bão gây mưa diện rộng cũng khiến người dân, nhất là khu vực ngoại thành của Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa thể trở về nhà.

Một khu vực dân cư xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai bị ngập do mưa lớn.

Thông tin từ huyện Ba Vì cho biết, khoảng 1.400ha lúa và hoa màu các xã vùng trũng thấp, ven sông như Minh Quang, Khánh Thượng, Phú Sơn ,Tòng Bạt, Cổ Đô bị ngập úng. Trên 101ha nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng gây thiệt hại 12 tấn cá. Cùng với huyện Ba Vì, các địa phương vùng trũng, ven sông đều có những diện tích lúa và hoa màu bị ngập. Cụ thể, Phúc Thọ 320ha, Phú Xuyên 2.279ha, Quốc Oai 1.280ha, Thạch Thất 935ha, Mỹ Đức 270ha và Chương Mỹ 1.429ha. Trong đó, hàng ngàn héc-ta cây trồng bị ngập sâu, nguy cơ mất trắng. Hiện, 5 DN thủy lợi của Hà Nội vẫn đang tiếp tục vận hành tối đa công suất 198 trạm bơm với 703 máy bơm các loại, khẩn trương tiêu thoát nước chống úng cho cây trồng. 
Đặc biệt, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 270 nhà dân ở Quốc Oai và 291 hộ dân ở Chương Mỹ bị ngập. Các hộ dân bị ngập sâu đã phải ngắt hệ thống điện, di dời tài sản, sơ tán đàn gia súc, gia cầm tới vị trí cao hơn để tránh thiệt hại. Người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại qua vùng ngập. Đồng thời, chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm đề phòng tình trạng ngập úng kéo dài.

Ông Bùi Đào Hoàng - Trưởng thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu - một trong số địa phươg bị ngập nặng nhất thuộc huyện Quốc Oai) cho biết, xóm Bến Vôi có hơn 100 hộ thì đang có khoảng 50 nhà dân bị ngập úng. Hiện, công tác bơm tiêu nước khỏi vùng dân cư vẫn đang được địa phương khẩn trương triển khai. Tuy nhiên theo ông Hoàng, mực nước rút phụ thuộc lớn vào tốc độ nước xuống của sông Tích…
Bà con nông dân xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai vất vả đi lại trong nước lũ.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị chiều 22/7, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Bùi Xuân Ninh cho biết, vài năm trở lại đây, năm nào người dân các xã vùng ven sông Bùi gồm: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên… cũng bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang. Mặc dù vậy, đến nay, vẫn chưa có giải pháp căn cơ cho bài toán này. “Dự kiến trong 1- 2 tuần tới, khi nước sông Bùi rút xuống, các hộ dân mới có thể trở về nhà…” - ông Ninh thông tin.

Tại xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) trong ngày 21/7 đã xảy ra lũ quét; rất may khi chỉ có 12ha lúa của bà con bị vùi lấp. Tại huyện Chương Mỹ, địa phương cũng đang phải tổ chức chống tràn khoảng 350m đê sông Tích qua địa bàn xã Đông Sơn. Tại huyện Thanh Trì, nước sông Nhuệ lên cao khiến một số tuyến đường qua xã Tả Thanh Oai vẫn còn bị ngập; trong khi tại huyện Chương Mỹ và các xã Cấn Hữu, Ngọc Than, Tuyết Nghĩa, Ngọc Liệp, Phú Cát (huyện Quốc Oai), nhiều tuyến đường còn bị ngập sâu khiến việc đi lại của người dân vùng lũ hết sức khó khăn...

Theo Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Văn Thuận, hiện nay mực nước trên các sông nội địa vẫn đang ở mức khá cao (sông Tích, sông Bùi). Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các địa phương nằm trong khu vực các sông nêu trên cần chủ động xây dựng phương án di dời dân khỏi các khu vực trũng thấp. Đồng thời, tích cực vận hành hệ thống các công trình thủy lợi gấp rút tiêu úng cho cây trồng.
Trẻ nhỏ phải di chuyển bằng thuyền qua vùng ngập nước xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai
32 người chết và mất tích do mưa lũ

Cùng với Hà Nội, các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho thấy, đã có ít nhất 19 người chết (Yên Bái: 11 người, Sơn La: 2 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 2 người); và 13 người hiện còn đang mất tích (Yên Bái: 8 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 3 người). Ngoài ra, còn có 19 người khác bị thương.

Mưa lũ cũng khiến 217 nhà dân bị sập, đổ; 9.591 nhà bị ngập và khoảng 5.549 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Trong khi đó, khoảng 29.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng 5.415ha. Tại đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc có trên 114.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng.
Mưa lũ xảy ra những ngày qua cũng khiến trên hệ thống các sông thuộc các tỉnh, TP Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Hà Tĩnh trở ra) xảy ra 23 sự cố đê điều. Các địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu các sự cố và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.