Hà Nội: Hiệu quả của năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”

Thủy Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/11, tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về kế hoạch phát triển KTXH 2018, các chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
Nhiều chuyển biến tích cực
Các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự giám sát chặt chẽ của HĐND TP, MTTQ TP Hà Nội. Các đại biểu cũng thảo luận và khẳng định việc TP chọn chủ đề công tác năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” là đúng đắn, cả hệ thống chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đại biểu cũng chỉ rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và có đề xuất cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác.
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, cơ cấu kinh tế có chuyển dịch tích cực với nhịp độ phát triển tốt. Tỷ trọng kêu gọi vốn đầu tư vốn FDI trong công nghiệp có bước phát triển đột biến, với nhiều dự án có giá trị lớn. Hiện, TP có quyết định đầu tư 5 cụm công nghiệp và đang thẩm định 9 cụm công nghiệp. Văn minh thương mại có chuyển biến tích cực với việc người dân có đang dần có xu hướng mua thực phẩm ở những các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nơi có rõ nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Năm 2016, TP còn tồn tại 2.469/19.138 công trình vi phạm trật tự xây dựng (13,9% ). Hết năm 2017 còn 1.916/17.422, giảm 2%, tức còn 10,9%.

Đến năm 2018, với sự chỉ đạo sát sao, 10 tháng đầu năm còn 891 công trình vi phạm (5,33%). Các công trình vi phạm gây bức xúc, nghiêm trọng, vi phạm sâu cơ bản không để xảy ra. Một số tồn đọng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thành ủy cơ bản đã có giải pháp để thực hiện.

Để xử lý nghiêm các vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới, Sở Xây dựng sẽ trình TP xem xét ban hành quy định khi có công trình vi phạm, Chủ tịch UBND các quận huyện phải ký báo cáo TP, công khai để nâng cao trách nhiệm, cũng như để người dân giám sát.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục
Đáng chú ý, theo Giám đốc Sở Lao động TB-XH Khuất Văn Thành, năm 2018, TP đã xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm trải khắp các quận, huyện, giúp nâng cao quan hệ cung - cầu lao động. Nhờ đó, đã giải quyết được 162.000 việc làm, vượt kế hoạch. Tỷ lệ lao động được đào tạo cũng đã đạt 63,6%, vượt chỉ tiêu của HĐND TP. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách người có công được các cấp, các ngành thực hiện tốt. Công tác giảm nghèo được các quận, huyện, thị xã thực hiện với nhiều sáng kiến, sáng tạo; quan tâm hỗ trợ tới từng đối tượng cụ thể. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của TP còn 1,16%, đồng thời có thêm 3 quận không còn hộ nghèo là Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân.
Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, TP đã tổ chức nhiều sự kiện nổi bật, góp phần gắn kết mối quan hệ của Hà Nội với các tỉnh, TP trong nước cũng như quốc tế, góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội. Các vận động viên Hà Nội đã đóng góp 42% số huy chương toàn đoàn Việt Nam tại ASIAD 2018.
Phó Cục trưởng Cục Thống kê Vũ Văn Tấn nêu điểm sáng trong phát triển du lịch của TP đó là lượng khách quốc tế tăng 20%, trong đó, lượng khách đến du lịch nghỉ dưỡng chiếm 92%, tăng 26% so với năm 2017.
 Toàn cảnh hội nghị 
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2018 tăng cao nhất trong những năm trở lại đây, vượt chỉ tiêu của thành phố giao. Hiện TP tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh chủ lực, tập trung mở rộng mô hình đàn bò 3B, xuất khẩu nhãn…
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện thông tin thêm, TP đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành giao thông, từng bước xây dựng giao thông thông minh. Phát triển hệ thống xe buýt TP đã phủ sóng 78% số xã, phường, thị trấn toàn TP.
Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ cụ thể
Các đại biểu cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất Thành ủy chỉ đạo các giải pháp liên quan đối với từng ngành, từng địa phương. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho biết, huyện đang quyết tâm xây dựng thành quận, vì vậy đề xuất TP quan tâm giúp đỡ trong việc nâng cao các tiêu chí như: Bệnh viện, cây xanh, xử lý chất thải và đường giao thông. Trong đó, huyện thiếu 573km đường giao thông. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm kiến nghị TP có giải pháp hỗ trợ.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục kiến nghị Thành ủy chỉ đạo các huyện, thị xã cần tích cực tuyên truyền để người dân lắp đặt hệ thống ống dẫn nước, tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư hệ thống cấp nước ở khu vực nông thôn.
Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động thu gom rác trên toàn địa bàn TP, vì tỷ lệ thu gom rác ở khu vực nội thành báo cáo đạt 98%, nhưng trên thực tế, rác tồn đọng vẫn còn.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện kiến nghị TP tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vì tỷ lệ đất dành cho giao thông theo quy hoạch của thành phố là từ 20% đến 26%, nhưng đến nay mới đạt 9,36%; với các dự án đầu tư hiện nay, đến hết nhiệm kỳ 2015-2020, có thể chỉ đạt tỷ lệ 10,03%.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu 13 ý kiến của các đại biểu về 9 nhóm vấn đề. Theo đó các đại biểu cơ bản đồng tình thống nhất với các nội dung báo cáo của UBND TP. Với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của Bí thư các huyện, lãnh đạo các sở ngành, ngay sau hội nghị, Chủ tịch UBND TP sẽ trả lời, đồng hành giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc.
Tiếp tục năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh TP năm 2018.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị lần thứ mười sáu Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI. Ảnh: Thanh Hải

Về trọng tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng TP năm 2019, Bí thư Thành ủy cho biết, năm 2019, TP sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Để có thể hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, Bí thư Thành ủy đề nghị phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng... Ngoài ra, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 2 bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan và nơi công cộng. Chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh và các hoạt động đối ngoại.

Về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công năm 2018 và năm 2019 của TP, Bí thư Thành ủy cho biết đây là một vấn đề lớn, vĩ mô và rất quan trọng đối với TP. Từ đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cần phải nghiên cứu chặt chẽ, nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng. Đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí sau: Đối với việc cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thì nguyên tắc cân đối, bố trí vốn điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ KH&ĐT và bám sát vào các Nghị quyết, Chương trình công tác của Thành ủy và HĐND TP.

Ngoài ra, rà soát, đảm bảo tính khả thi và sự phù hợp của các nguồn vốn đầu tư công bổ sung (chưa chắc chắc) với điều kiện thực tiễn của TP và quy định của pháp luật hiện hành. Các dự án đề xuất đưa ra khỏi Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có lý do xác đáng, đồng thời lưu ý không đề xuất bỏ các dự án dân sinh bức xúc, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù. Các dự án đề xuất bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải là các dự án cấp thiết, cấp bách gắn với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI; 8 Chương trình công tác của Thành ủy...