Hà Nội hỗ trợ các làng nghề phát triển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội hiện có khoảng 1.270 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống (LNTT). Những làng nghề này đã giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động.

KTĐT - Hà Nội hiện có khoảng 1.270 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống (LNTT). Những làng nghề này đã giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động.

Năm 2009, với doanh thu từ các làng nghề  đạt hơn 7.000 tỷ đồng chiếm gần 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Thủ đô. Ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân và làng nghề, ngày 3/2, 16 làng nghề và 17 nghệ nhân đã được UBND TP Hà Nội trao bằng công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội", "Nghệ nhân Hà Nội" năm 2009.
                  
Phát triển làng nghề còn nhiều khó khăn

Hiện nay việc phát triển các LNTT hiện nay còn tồn tại nhiều điểm bất cập. Hầu hết các làng nghề còn phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình, chưa được đầu tư nhiều về công nghệ nên năng suất, chất lượng, thẩm mỹ sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp;  Việc bảo tồn văn hoá truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng và quan tâm, ít chú trọng tới nâng cao trình độ tinh xảo, thậm chí làm hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng uy tín làng nghề. Việc phát triển phân tán khiến làng nghề bị động trong nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; Thiếu trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm; Chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất chật hẹp xen lẫn với không gian sinh hoạt dẫn đến môi trường làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao. Phần lớn lao động làng nghề  không qua đào tạo cơ bản và còn chưa tách khỏi nông nghiệp nên chậm tiếp thu công nghệ và hoạt động theo tính thời vụ.

Trong quá trình đô thị hóa, nhiều làng nghề lân cận Hà Nội đã bị giảm diện tích sản xuất, khiến nhiều nghề truyền thống cũng bị mai một. Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huỵện Gia Lâm) cho biết: Mặc dù nhiều làng nghề đã sản xuất được hàng hóa chất lượng cao, nhưng hầu hết đều gặp phải khó khăn khi tham gia thị trường thế giới. 80% hàng thủ công được bán trong thị trường nội địa và người sản xuất phải chấp nhận mức giá mua của chủ buôn. Sản phẩm chỉ có thể xuất khẩu ra thị trường ngoại quốc thông qua các công ty đầu tư nước ngoài. Nhiều công ty trong nước đã thực hiện chiến dịch quảng cáo ở thị trường nước ngoài nhưng mới chỉ đạt được việc quảng bá hình ảnh làng nghề hơn là việc có được những hợp đồng xuất khẩu bởi những hạn chế mà làng nghề đang phải đối mặt.

Nhiều biện pháp hỗ trợ làng nghề

Trước yêu cầu phát triển bền vững làng nghề kết hợp với giữ gìn bản sắc văn hoá thủ đô, thiết thực chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, TP Hà Nội đang khẩn trương hoàn tất đề án “Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội” giai đoạn 2010-2015 với nguồn vốn đầu tư 3.620 tỷ đồng. Ông Lưu Tiến Long-Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết : Đối với các LNTT, TP ưu tiên khôi phục, bảo tồn 25 làng nghề đã có từ lâu đời nhưng đang có nguy cơ mai một như: Sơn mài Đông Mỹ, nón lá Đại Áng, giấy sắc Nghĩa Đô, đúc đồng Ngũ Xá... Song song với nhiệm vụ bảo tồn LNTT, TP chú trọng phát triển làng nghề mới với mức đầu tư lên tới 1.660 tỷ đồng, từ đó tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người lao động. Để khuyến khích các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề, TP chủ trương sẽ cho các đơn vị sản xuất vay vốn không tính lãi thời hạn 3 - 5 năm từ các quỹ của TP. Địa phương cũng ưu tiên công tác quy hoạch mặt bằng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng chợ đầu mối cung ứng nguyên liệu, hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, làng nghề. Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu.

Ông Nguyễn Xuân Quang- Phó giám đốc VNPT Hà Nội cho biết : Doanh nghiệp cũng dành khá nhiều ưu đãi về giá cước nhằm hỗ trợ làng nghề trong hoạt động quảng bá  sản phẩm cũng như tìm kiếm bạn hàng quốc tế thông qua mạng Internet.

Phát biểu tại lễ trao tặng danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội", "Nghệ nhân Hà Nội", PCT UBNDTP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng nêu rõ: UBNDTP đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ phát triển, khôi phục LNTT, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, việc TP đã có quy định cụ thể việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân và công nhận làng nghề  đã tạo môi trường pháp lý phù hợp để bảo tồn phát triển các làng nghề thủ công truyền thống Hà Nội.