Hà Nội: Hơn 16.000 giáo viên lớp 6 tiếp cận sách giáo khoa mới

Kim Thỏa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu các bộ sách giáo khoa lớp 6 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hình thức trực tuyến.

Dự hội nghị có lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản; tổng chủ biên, chủ biên, chuyên gia biên soạn sách; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; ban giám hiệu và hơn 16.000 giáo viên dự kiến dạy lớp 6 năm học 2021-2022 của 640 trường trung học cơ sở trên toàn TP. 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Năm học 2021-2022, cùng với học sinh trên cả nước, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu học SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tổ chức hội nghị giới thiệu các bộ SGK nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên của các nhà trường có thêm thông tin, làm căn cứ để đề xuất lựa chọn SGK phù hợp cho giảng dạy.
 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu tại hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 6. 

Đại diện các nhà xuất bản đã giới thiệu tổng quát về các bộ SGK lớp 6, những quan điểm biên soạn, ý tưởng chủ đạo xây dựng bộ sách; tính ưu việt của từng bộ sách, cuốn sách. Những điểm mới về nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận của từng bộ sách cũng được các đơn vị nhấn mạnh…

Sau hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đề xuất lựa chọn SGK dựa trên các tiêu chí được UBND TP Hà Nội ban hành. Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của từng trường.

UBND TP Hà Nội sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK từng môn học, trên cơ sở ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các trường; triển khai phê duyệt danh mục SGK sử dụng từ năm học 2021-2022 vào đầu tháng 4/2021.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1157/QĐ-UBND về Quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Quyết định này được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 với 2 tiêu chí lựa chọn SGK.

Thứ nhất, SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của Thủ đô Hà Nội và cộng đồng dân cư góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch - văn minh.

SGK có kiến thức hiện đại, cập nhật, có khả năng vận dụng, liên hệ thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, quốc tế. Qua đó, góp phần phát triển giáo dục toàn diện nhằm đào tạo nguồn lao động có tri thức, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, SGK phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Ở tiêu chí này, đặt ra yêu cầu SGK đảm bảo chất lượng và kế hoạch giáo dục tại cơ sở giáo dục. Trong đó, nội dung SGK có tính khả thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Đồng thời, có thể triển khai hiệu quả với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu và các điều kiện dạy học khác của cơ sở giáo dục phổ thông; có tính mở, tạo điều kiện để nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt, sáng tạo…

Ngoài ra, SGK phù hợp với năng lực học tập của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả.

SGK cũng tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của học sinh.

Các bài học, chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày với các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. Cũng như, tạo cơ hội và khuyến khích học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.

Nội dung SGK với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần