Hơn 47% nam giới nghiện thuốc lá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá thành phố Hà Nội cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trên địa bàn thành phố vẫn còn rất cao, chiếm 47,4%.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo về đại dịch thuốc lá toàn cầu. Theo WHO, sử dụng thuốc lá đã giết chết 100 triệu người trong thế kỷ 20, và sẽ giết một tỷ người trong thế kỷ 21 nếu các xu hướng hiện nay không được đảo ngược. Vì thế, báo cáo này kêu gọi Chính phủ các nước cần hành động để giảm sử dụng thuốc lá bằng cách thực hiện các chính sách đã được chứng minh là hiệu quả.

Theo đó, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 70 chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... Hút thuốc là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tạo chuyển biến trong nhận thức và hành vi của các đơn vị và người dân. Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp khó khăn do Hà Nội tập trung nhiều cơ quan xí nghiệp trường học bệnh viện nên dân cư tứ xứ đổ về.

Ngoài ra, ý thức tuân thủ pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá của một bộ phận cán bộ công chức viên chức và người dân còn thấp, trong khi đó, tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến.

Đặc biệt, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo còn hút thuốc nên chưa cương quyết thực hiện các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá một cách nghiêm túc.

Kinh nghiệm quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng chống tác hại thuốc lá của một số sở, ngành, địa phương còn hạn chế; đồng thời, việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính về thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn khó khăn, vướng mắc. 

Bên cạnh đó, Hà Nội là nơi nhiều người di cư từ các vùng lân cận dân cư tập trung đông, trình độ nhận thức không đồng đều nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhất là phòng chống tác hại thuốc lá, gặp khó khăn không nhỏ.

Từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống tác hại thuốc lá thu được kết quả khả quan. Sở Công Thương đã tập trung kiểm tra giám sát các hành vi vi phạm như buôn thuốc lá lậu, kinh doanh thuốc lá giả không dán tem theo quy định, bán thuốc lá tại những khu vực tuyến phố trọng điểm như Nguyễn Siêu, Hàng Hành, Hàng Buồm, Lê Thái Tổ...

Sở Y tế tổ chức ký cam kết xây dựng mô hình “Cơ sở Y tế không khói thuốc” cho 100% bệnh viện, trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã. Sở Giao thông Vận tải triển khai đến các đơn vị trong ngành, yêu cầu bến xe tăng cường dán biển “Cấm hút thuốc” trong phòng chờ, tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm.

Để chương trình phòng chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá.

Còn theo 
WHO tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sử dụng, giảm tử vong do thuốc lá và là biện pháp có chi phí hiệu quả cao để thực hiện. Tại Việt Nam, từ 1/1/2016, thuế thuốc lá sẽ được điều chỉnh từ 65% lên 70%, sau đó tăng theo lộ trình lên 75%.