KTĐT - Trong số đó có gần 2000 chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình, chủ yếu là bạo lực về thể xác, tinh thần và tình dục, thời gian bị bạo hành phần lớn từ 2-7 năm.
Sau 7 năm triển khai dự án "Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” (2002-2009), thành phố Hà Nội đã có trên 5.000 phụ nữ được tư vấn về bạo lực giới với trên 10.000 lượt tư vấn.
Trong số đó có gần 2000 chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình, chủ yếu là bạo lực về thể xác, tinh thần và tình dục, thời gian bị bạo hành phần lớn từ 2-7 năm.
Dự án này được thực hiện với sự tài trợ không hoàn lại của quỹ Ford Foundation (Mỹ) tại 2 bệnh viện đa khoa Đức Giang, Đông Anh và 6 xã của 3 huyện Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
Hiện nay, bệnh viện đa khoa Đức Giang và bệnh viện đa khoa Đông Anh cùng 2 Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ là những cơ sở đầu tiên trong toàn quốc triển khai công tác phòng chống bạo lực phụ nữ, phòng chống bạo lực gia đình và trở thành địa chỉ tin cậy cho những chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình.
Hai bệnh viện đã xây dựng quy trình sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ nạn nhân ngay từ khâu tiếp đón đến phòng khám, các khoa phòng và tại trung tâm tư vấn.
Trong thời gian triển khai dự án, hai bệnh viện đã khám cho gần 620.000 phụ nữ trên 15 tuổi, có gần 250.000 phụ nữ được sàng lọc và đã phát hiện được 1.064 chị em là nạn nhân của bạo lực giới và bạo lực gia đình, đã hỗ trợ và chuyển đến trung tâm tư vấn 1.018 trường hợp.
Theo Sở Y tế Hà Nội, quá trình thực hiện dự án cho thấy, các cấp chính quyền, ban ngành của huyện Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên và 6 xã đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho các nạn nhân bị bạo hành giới.
Hội phụ nữ là lực lượng tích cực trong công tác hòa giải mâu thuẫn gia đình và giúp cho nạn nhân có biện pháp bảo vệ bản thân thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, thăm hộ gia đình.
Sự tham gia của các cộng tác viên trong tổ hoà giải, Hội phụ nữ đã góp phần hạn chế nạn bạo hành tại địa phương. Mô hình này đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm như UNFPA, Trường Đại học y tế công cộng khối Bắc Âu, Thụy Điển, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội…/.