Hội nghị được tổ chức từ điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội trực tuyến đến 747 điểm cầu với hơn 54.000 đảng viên tham dự.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các Ban Đảng Thành ủy, phòng, Ban của HĐND TP, UBND TP; đại biểu Quốc hội chuyên trách; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của TP, Bí thư Đảng ủy trực thuộc Thành ủy…
Hội nghị được trực tuyến tới điểm cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; các xã, phường, thị trấn.
Tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã truyền đạt những nội dung chính về tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Những chủ trương có tầm chiến lược trong phát triển đất nước
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định, đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Từ yêu cầu cấp thiết trên, GS.TS Phùng Hữu Phú phân tích các nội dung quan trọng liên quan đến chủ trương lớn của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Cụ thể là các khái niệm về Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình; Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Trong đó, ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
"Trong gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhìn tổng quát, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang. Bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986-2026)"- GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
GS.TS Phùng Hữu Phú cũng nêu bật 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc của Tổng Bí thư Tô Lâm: việc cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; cán bộ và về kinh tế.
Trong đó, về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết. Hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, trong khi đó công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu triệt để.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Chủ trương chiến lược đề ra sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước.
Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động.
Hà Nội hội tụ đầy đủ yếu tố để đi đầu trong kiến tạo kỷ nguyên mới
Sau khi quán triệt các nội dung chính trong tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng ta về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, GS.TS Phùng Hữu Phú nhận định, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ nhất những yếu tố để đi đầu trong sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới. Chưa bao giờ Hà Nội có những điều kiện thuận lợi như bây giờ để đi tiên phong trong kiến tạo kỷ nguyên mới.
Thời gian qua, Hà Nội đã làm được những việc rất quan trọng. Với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 " và Luật Thủ đô năm 2024, là hành lang pháp lý quan trọng, tạo nhiều cơ chế đặc thù để phát huy vai trò chủ động, nhất là Luật Thủ đô lại được thực hiện theo tư duy “Hà Nội quyết, Hà Nội làm, Hà Nội tự chịu trách nhiệm”.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Hà Nội đang triển khai nhiều điểm theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cùng với đó, TP ngày càng chú trọng phát triển văn hóa, chú trọng đổi mới căn bản, cải cách hành chính, từng bước thực hiện quy hoạch, nhất là hệ thống giao thông. Mục tiêu tiến tới một Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là hoàn toàn có khả năng hiện thực, tất cả phụ thuộc vào quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
“Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã làm được nhiều việc rất quan trọng. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, hy vọng Hà Nội dứt khoát có thể, phải đi đầu trong kiến tạo kỷ nguyên mới để có một Hà Nội vươn mình trong một dân tộc Việt Nam vươn mình” - GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Hà Nội tiếp cận sâu sắc, toàn diện các chỉ đạo, định hướng
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã quán triệt Kế hoạch số 284-KH/TU ngày 29/11/2024 của Thành ủy Hà Nội về triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong toàn Đảng bộ TP Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành ủy đã ban Kế hoạch số 284-KH/TU ngày 29/11/2024 triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong toàn Đảng bộ. Kế hoạch nêu rất rõ mục đích, nội dung, yêu cầu triển khai đợt sinh hoạt chính trị với các cấp độ tổ chức và phân công thực hiện từ TP đến các chi bộ, đơn vị và từng đảng viên.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, ngày 4/12 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã họp, nghe quán triệt và hôm nay các cán bộ chủ chốt, đảng viên tiếp tục nghe truyền đạt về nội dung này. Theo Kế hoạch số 284-KH/TU, ngày 16/12 tới, toàn Đảng bộ TP sẽ sinh hoạt chuyên đề về “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Ban Tuyên giáo Thành ủy hướng dẫn và có tài liệu gửi đến các chi bộ trước khi sinh hoạt. Theo đó, toàn Đảng bộ TP Hà Nội sẽ sinh hoạt chuyên đề trong 3 tháng liên tục (từ tháng 12/2024 – 2/2025).
“Đây là lần đầu tiên Thành ủy Hà Nội chỉ đạo toàn TP sinh hoạt chuyên đề 3 tháng liên tiếp về nội dung này. Điều đó cho thấy Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp cận sâu sắc, toàn diện về vấn đề này. Qua đó thể hiện trách nhiệm của Đảng bộ TP” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Nêu bật những thuận lợi cũng như khó khăn của Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước gồm hơn 480 nghìn đảng viên, 50 đảng bộ trực thuộc. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhấn mạnh, Hà Nội phải là trung tâm, động lực, có tính chất dẫn dắt và lan tỏa đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước trong các lĩnh vực. Trên tinh thần đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, các công việc của Thủ đô phải được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo, gắn với thực tiễn. Trong đó, Đảng bộ TP phải gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Về nhiệm vụ thời gian tới, trước hết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị toàn Đảng bộ phải quán triệt một cách nghiêm túc, sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ trương lớn này, trong đó thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 284-KH/TU. Cụ thể, các cấp ủy từ TP đến cơ sở, mỗi chi bộ cũng như từng đảng viên phải quán triệt nghiêm túc, thực chất.
Thứ hai, phải thông suốt về tư tưởng, từ đó thống nhất nhận thức và hành động, tổ chức thực hiện đúng, trúng, thiết thực, hiệu quả. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, không chỉ cán bộ, đảng viên của Hà Nội mà quan trọng hơn phải lan tỏa đến quần chúng Nhân dân và toàn xã hội. Trong đó, từng chi bộ, từng đảng viên phải giữ vai trò quyết định, bởi đây không chỉ là sinh hoạt chính trị trong Đảng mà yêu cầu đặt ra là lan tỏa đến đông đảo quần chúng nhân dân và toàn xã hội.
Thứ ba, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng bộ để từng chi bộ, đảng viên nắm tinh thần, tư tưởng, quan điểm, giải pháp cốt lõi.
Lưu ý về nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy gợi mở, công tác tuyên truyền phải sinh động, đa dạng, phong phú, kiên trì, bền bỉ. Các cơ quan báo chí TP phải xác định rõ trách nhiệm của mình. Các đồng chí Tổng Biên tập trực tiếp phụ trách nội dung này, có kế hoạch cụ thể, bám sát cơ sở.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, cán bộ các ban Đảng Thành ủy, đảng bộ trực thuộc, Ban Chấp hành Đảng bộ các xã, thị trấn phải dự sinh hoạt cùng các chi bộ, qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đảng viên ở cơ sở, từ đó tham mưu cho các cấp ủy để điều chỉnh, bổ sung nội dung sinh hoạt kịp thời, sát tình hình thực tiễn.
Thứ tư, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Kế hoạch 284/KH-TU đã nêu rõ, sau khi sinh hoạt chi bộ, từng đảng viên sẽ đăng ký xây dựng kế hoạch thực hiện; các chi bộ, các cấp ủy phải xây dựng kế hoạch chương trình để tổ chức thực hiện.
"Khối lượng công việc lớn cần thực hiện cùng lúc, cùng thời điểm, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, nhất là tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Nhấn mạnh, với vai trò Thủ đô, Đảng bộ TP Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong muốn, toàn Đảng bộ thống nhất về nhận thức, quyết liệt trong hành động, triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", có đóng góp ngày càng xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước.