Trước thời điểm bị cháy, tại khu vực chợ trung tâm huyện Sóc Sơn có 272 hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Thời gian qua, đại phương đã vận động, tuyên truyền và ký kết hợp đồng vào kinh doanh, buôn bán trong chợ mới cho 151 hộ tiểu thương. Số hộ còn lại chưa đồng ý với phương án của huyện.
Nguyên nhân được một số hộ tiểu thương chia sẻ là trước khi chợ trung tâm bị cháy, họ được ký hợp đồng thuê ki-ốt, quầy, sạp “không kỳ hạn”, “không thời hạn”, “lâu dài”… Chính vì vậy, các hộ không đồng ý với phương án cho thuê có kỳ hạn của UBND huyện Sóc Sơn, dù điều này phù hợp với quy định hiện hành.
Liên quan đến ý kiến của một bộ phận tiểu thương, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, tại Quyết định số 752/QĐ-UB ngày 19/12/1996 của UBND huyện Sóc Sơn đã quy định: Tất cả các thủ tục thuê và góp vốn ban đầu chỉ có giá trị trong thời hạn chưa trừ hết vốn đón góp ban đầu (gốc + lãi).
Trong trường hợp các hộ đã trừ hết tiền đóng góp ban đầu (gốc + lãi) thì mọi thủ tục cũ không còn giá trị; các hộ có nhu cầu kinh doanh buôn bán phải tiếp tục làm hợp đồng mới; thời gian cho thuê theo hợp đồng mới là 25 năm. Hết thời hạn trên các chủ hộ có nhu cầu lại tiếp tục thuê tiếp. Giá cho thuê theo thời điểm do Nhà nước quy định.
Quy định về cơ chế đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn Hà Nội ban hành theo Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 7/3/2006 của UBND TP cũng nêu rất rõ: Thời gian cho thuê ki-ốt, quầy, sạp do chủ đầu tư quyết định, nhưng thời gian thuê một lần không quá 10 năm đối với ki-ốt và 5 năm đối với quầy, sạp.
Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 của UBDN TP về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội cũng quy định thời gian ký hợp đồng cho thương nhân thuê điểm kinh doanh do ban quản lý chợ, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ quy định cụ thể; nhưng thời gian cho thuê một lần cũng không được quá 10 năm.
Mới đây nhất, tại Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 của UBND TP về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội cũng nêu rất rõ: Thời gian ký hợp đồng cho thương nhân thuê điểm kinh doanh do bản quản lý chợ, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ quy định cụ thể. Tuy nhiên, thời gian cho thuê một lần không được quá 10 năm.
“Từ những quy định nêu trên, có thể khẳng định việc giữ nguyên các hợp đồng ký không thời hạn, không kỳ hạn, không có thời gian…. tại các thời điểm các văn bản quy định pháp luật về chợ là không phù hợp với quy định hiện hành. Do vậy các hợp đồng ký mang tính chất sở hữu vĩnh viễn, lâu dài không còn giá trị pháp lý theo quy định” – ông Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, địa phương đang tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ tiểu thương hiểu, chấp hành quy định về quản lý và phát triển chợ của UBND TP; chấp thuận ký hợp đồng vào buôn bán, kinh doanh tại khu chợ mới với thời gian không quá 10 năm.
“Sau 10 năm hợp đồng kết thúc, nếu các hộ tiểu thương có nhu cầu tiếp tục kinh doanh, địa phương sẽ chỉ đạo Ban quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn tổ chức ký tiếp hợp đồng mới với thời gian theo quy định” - ông Phạm Quang Ngọc nói.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết thêm, trong trường hợp các hộ vẫn không đồng tình việc ký hợp đồng mới theo quy định, địa phương sẽ giao các đơn vị chức năng rà soát, tổ chức hủy, đơn phương chấm dứt hợp đồng và các loại giấy tờ trái quy định. Đồng thời, tiến hành các bước để thực hiện đấu giá đối với các điểm kinh doanh theo đúng pháp luật hiện hành.