Mục tiêu 10.000 doanh nghiệp công nghệ số đến 2025
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội, 10 tháng năm 2024, TP Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Không dừng ở đó TP Hà Nội đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát triển bền vững, trong đó chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Nỗ lực chuyển đổi số là một trong những giải pháp đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương, để phát triển công nghệ số TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025”. Trong đó, đặt mục tiêu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số và 10 nhóm sản phẩm công nghệ số chủ lực.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng hướng đến mục tiêu ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của TP Hà Nội. “Đây là nền tảng để TP Hà Nội phát triển vượt bậc và đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như công nghệ số”- ông Dương nhấn mạnh.
Nhiều thách thức cần tháo gỡ
Mặc dù TP Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 10.000 doanh nghiệp công nghệ số nhưng theo các chuyên gia kinh tế trong quá trình triển khai còn những khó khăn như thể chế, chính sách vẫn còn chưa đồng bộ. Hạ tầng số vẫn đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế số; nguồn nhân lực phục vụ chuyển và phát triển kinh tế số vẫn còn thiếu.
Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn cho biết: Chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số để thay đổi các hoạt động của tổ chức, nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa quy trình làm việc.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học Việt Nam, qua đó cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo và quản lý, thu hút người học. "Đây là giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ về khoa học và công nghệ trên thế giới, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay" - ông Sơn thông tin.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số thường gặp phải nhiều thách thức. Một trong những vấn đề nan giải là thiếu kinh phí đầu tư. Các trường thường gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính để nâng cấp cơ sở hạ tầng và phần mềm. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin cũng là một rào cản lớn trong khi việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo an toàn cho hệ thống trong môi trường số luôn là một ưu tiên hàng đầu.
Chia sẻ về những giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số- phát triển doanh nghiệp số, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistic Cao Cẩm Linh cho hay hiện nay rào cản của doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi số là bởi sợ rò rỉ dữ liệu, người lao động thiếu hiểu biết về công nghệ số. Bên cạnh đó cơ sơ hạ tậng công nghệ số của Việt Nam còn ở mức đơn giản, cùng với đó là các rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ
Tương tự, Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài chia sẻ: “Nỗi đau” của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong quá trình chuyển đổi số là nhân sự và kinh phí vừa thiếu vừa yếu nên đánh “lực bất tòng tâm” trong quá trình đưa công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. “Để chuyển đổi số thành công cơ quan nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án công nghệ qua đó rút ngắn thời gian, giúp doanh nghiệp giảm chị phí. Đặc biệt cơ quan quản lý cần tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ, an ninh mạng quốc gia".
Cụ thể, đầu tư vào hạ tầng số qua đó cải thiện mạng lưới internet băng thông rộng, 5G và cơ sở dữ liệu quốc gia; Tăng cường an ninh mạng; Hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ; tăng cường nhận thức và hỗ trợ truyền thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”-bà Linh kiến nghị.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
“Trong hai tháng cuối năm 2024, TP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai, xúc tiến đầu tư và kết nối. Những hỗ trợ này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với chuyển đổi số và phát triển bền vững”- ông Lực chia sẻ.