Hà Nội hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 7 tháng đầu năm, kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng khá. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt những kết quả tích cực.

Chuyển dịch cơ cấu gắn với thu hút đầu tư

Cục Thống kê TP Hà Nội vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2016. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 7 tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng vẫn giữ và đạt mức tăng trưởng, một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,1%; sản xuất trang phục tăng 31,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,4%...
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
 Thời gian qua, cơ cấu kinh tế TP chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng hợp lý, nhất là lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch… Trong tháng 7, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 192.000 lượt (tăng 8,8%); trong khi khách nội địa đến tăng 2,5%. Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tháng 7 ước đạt 1.384.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,8% so với tháng 12/2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng nhẹ và tăng ở hầu hết các nhóm hàng (7/11 nhóm hàng có chỉ số tăng).

Cùng với sự phát triển chung về kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của toàn TP tiếp tục khởi sắc. Hà Nội luôn chú ý tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các DN trong và ngoài nước đến đầu tư lâu dài.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Tuy đạt được những mặt tích cực nhưng Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn chung như xuất khẩu giảm, sản xuất nông nghiệp vẫn chậm chuyển biến… 

Định hướng những tháng cuối năm, TP sẽ triển khai cụ thể hóa thành kế hoạch 8 chương trình của Thành ủy; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Các cam kết, biên bản hợp tác tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; Đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu, chi ngân sách; Đẩy mạnh cải cách hành chính… Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất còn nhiều khó khăn, xuất khẩu suy giảm, TP cũng đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm mức tăng trưởng đã đề ra. Cụ thể, định kỳ các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức kết nối DN để lắng nghe và kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Kết nối để DN tiếp cận vốn vay ngân hàng và các hình thức huy động vốn khác cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn…

Xác định quy hoạch xây dựng gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong chỉnh trang khuôn viên cây xanh đô thị; giao thông công cộng; tích hợp vé xe bus điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống dữ liệu chính quyền, cải thiện cơ sở vật chất y tế, thu hút đầu tư vào bất động sản và chuyển giao công nghệ cầu đường… Thống nhất trong chỉ đạo và hành động của lãnh đạo TP là phát triển nhanh, hài hòa, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển Hà Nội.