Thành phố của sự kiện
Từ khi có Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 một trong những chuyển biến dễ nhận thấy tại Thủ đô là việc nhiều sự kiện văn hoá trẻ chung, năng động, hiện đại mang tầm quốc gia và quốc tế liên tục được tổ chức và thu hút đông đảo khách quốc tế. Một trong những sự kiện nhận được sự quan tâm của công chúng trong nước và quốc tế gần đây có thể kể đến là Lễ công bố danh sách các nhà hàng Việt Nam đạt chuẩn Michelin Guide tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6/6. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, nâng tầm văn hoá ẩm thực Việt. Hà Nội có 3 trong 4 nhà hàng đạt sao Michelin. Sự kiện được coi là bước ngoặt thúc đẩy du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, thu hút khách du lịch quốc tế. Mới đây nhất, sự kiện được nhiều người dân trong nước và quốc tế quan tâm là việc nhóm nhạc BlackPink sẽ đến biểu diễn 2 đêm tại Hà Nội trong tháng 7.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế khác nhằm khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô như: Lễ hội âm nhạc Gió mùa, sự kiện Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế, Hội nghị APEC lần thứ 14; SEA Games 31; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019; Sự kiện văn hóa Carnival đường phố Hà Nội 2019; Sự kiện Không gian văn hóa Hàn Quốc tại phố đi bộ Hà Nội với mục đích đẩy mạnh quan hệ hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch hai nước nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản – Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội – HANIFF.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật như thế này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là hoạt động vừa có mục đích tạo dấu ấn cho các địa phương, nhất là các địa điểm du lịch, vừa trở thành cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện tài năng, kết nối, giao lưu với đồng nghiệp, khán giả và các bên liên quan khác tù đó thúc đẩy phát triển nghệ thuật nước nhà, định vị tên tuổi của sự kiện nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa, nghệ thuật thế giới.
Ý nghĩa của xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật nhiều khi còn vượt xa hơn thế khi có thể lan tỏa tác động của mình sang sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, tạo ra sức mạnh mềm trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Khẳng định thương hiệu
Tại hội nghị phổ biến những nội dung cốt lõi của Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thủ đô vừa được tổ chức tháng 8/2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Nếu không có sự kiện tầm cỡ thì không thể có công nghiệp văn hoá”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn là “chìa khóa” mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, để Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành “Thành phố sự kiện”, là điểm đến của khu vực thì cũng cần phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Theo NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Với bề dày lịch sử lâu đời, nền văn hoá truyền thống đặc sắc cùng với các loại hình nghệ thuật đa dạng của đất nước ta hoàn toàn có thể xây dựng những chương trình mang tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên để làm được như vậy cần huy động và sử dụng nhiều nguồn lực. Nguồn lực ấy bao gồm nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế, nguồn lực tài chính và nguồn lực tài nguyên, nguồn lực nhân sự và nguồn lực cơ sở hạ tầng”.
Nhận định của NSND Trung Hiếu hoàn toàn xác thực. Bởi hiện nay các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vực công cộng của Hà Nội đang rất thiếu. Thực tế, Hà Nội là thành phố 10 triệu dân, nhưng không có một quảng trường công viên có sức chứa khoảng 50 nghìn người để có thể tổ chức được sự kiện lớn. Sân vận động Hàng Đẫy chứa được khoảng mấy nghìn người. Trong khi đó, sân Mỹ Đình của Bộ VHTT&DL quản lý.
Điều này đúng với chia sẻ của PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi ông nhìn nhận: Hà Nội là trái tim của cả nước, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của cả nước trong văn hóa. Chính vì thế mà sự phát triển văn hóa của Hà Nội vừa là nội lực của Hà Nội nhưng cũng cần có sự giúp đỡ của cả nước đặc biệt là của Trung ương trong sự phát triển này. Để thu hút các sự kiện quốc tế đến Hà Nội, thì cần sự tham gia của Bộ Ngoại Giao, Bộ VHTT&DL, thậm chí cả Chính phủ. Câu chuyện đó không chỉ riêng Hà Nội mà nó còn là câu chuyện đại diện cho cả đất nước.
Tại Hội thảo văn hoá 2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh để tạo dựng thương hiệu của thành phố là phải thông qua các sự kiện. Đó không chỉ là sự kiện của riêng TP, mà dần dần trở thành sự kiện thường niên và mang tính chất quốc tế. UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU với 45 nhiệm vụ, trong đó có 10 nhiệm vụ liên quan đến sửa đổi chính sách, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa phát triển hơn. Bên cạnh đó, thành phố xác định 30 sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thường niên ở trong nước và quốc tế; dành nguồn lực ở mức độ cao nhất trong khả năng của TP, như trong giai đoạn 2021-2025, TP bố trí khoảng 14.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa nói chung.