Dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
Huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy tại Hà Nội đã được triển khai nghiêm túc và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, trách nhiệm, hành động. Huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô tham gia vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy được tăng cường đã làm cho nhận thức người dân được nâng cao. Ngoài ra, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy đạt kết quả tích cực. Công tác cai nghiện ma túy luôn được quan tâm chỉ đạo triển khai với nhiều biện pháp, hình thức sát hợp đã làm giảm tội phạm và giảm tính chất phức tạp ở địa bàn dân cư do người nghiện gây ra.
Cụ thể, Công an TP đã khám phá nhiều vụ án lớn mang tính đường dây, ổ nhóm hoạt động có tổ chức đã góp phần ngăn chặn ma túy xâm nhập vào Hà Nội và kéo giảm tội phạm về ma túy.
Theo đó, từ tháng 5/2008 - 6/2018, lực lượng công an các cấp thuộc Công an TP đã phát hiện, điều tra khám phá 33.300 vụ với 42.449 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 1.228kg ma túy các loại, 64 khẩu súng, 539 viên đạn các loại, 14 quả lựu đạn và 2 mìn tự tạo. Tính đến 30/6/2018, TP chỉ còn 3 điểm phức tạp về ma túy và không còn địa bàn trọng điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Trong 10 năm qua, các cơ sở cai nghiện ma túy của TP đã tiếp nhận, quản lý, chữa trị cho 20.471 lượt người vào cai nghiện ma túy bắt buộc. Tính từ năm 2015 đến 31/6/2018, đã tiếp nhận 1.511 người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vận động đưa được 10.578 lượt người nghiện ở cộng đồng đi cai nghiện tự nguyện trong các cơ sở của TP…
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống ma túy
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống ma túy của Hà Nội thời gian qua. Đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn điểm hạn chế như: Sự vào cuộc của một số ban, ngành, đoàn thể còn mang tính hình thức, thậm chí khoán trắng cho lực lượng công an nên hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền có nơi, có lúc chưa thường xuyên...
Lưu ý trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hoạt động tội phạm ma tuý ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, tính chất nguy hiểm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các đơn vị, sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, quận, huyện thị tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW về công tác phòng, chống ma túy.
“Cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, đơn vị mình. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu đối với công tác phòng, chống ma tuý” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, tổ chức chính trị - xã hội, DN và cá nhân tham gia công tác phòng, chống ma túy. MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, cơ quan báo đài của T.Ư và Hà Nội để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy. Tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện chức năng giám sát việc triển khai thực hiện.
Đối với công an các cấp, lực lượng chuyên trách, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy để giải quyết triệt để, dứt điểm các tụ điểm và chủ động phòng ngừa không để tái phức tạp gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, bổ sung, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống cơ quan thường trực, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý công an các cấp và các Đội Công tác xã hội tình nguyện trong công tác phòng, chống ma túy tại cơ sở. Đồng thời, phải tổ chức tập huấn để bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn và năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.