Hà Nội: Khách sạn hồi sinh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm "đóng băng" vì đại dịch Covid-19, thị trường khách sạn tại Hà Nội đang dần hồi sinh, lượng khách thuê phòng lưu trú ngày càng tăng, thời điểm cuối tuần nhiều nơi kín chỗ.

Công suất sử dụng phòng tăng mạnh

Số liệu của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, ngành du lịch đón 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766.000 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt.

Lượng khách tăng mạnh kéo theo công suất sử dụng buồng phòng tăng tương ứng, riêng trong tháng 9, công suất sử dụng buồng, phòng trung bình khối khách sạn ước 43,7%, tăng 14,3% so với tháng 8/2022 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 34,1%, tăng 12,7%.

Nhân viên khách sạn làm thủ tục cho khách nhận phòng (Ảnh minh hoạ)
Nhân viên khách sạn làm thủ tục cho khách nhận phòng (Ảnh minh hoạ)

Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Vinh - chủ chuỗi 5 khách sạn tại khu phố cổ Hà Nội - cho biết, các khách sạn 3 - 4 sao tại khu phố cổ phục hồi tốt. Từ tháng 6 đến nay, lượng khách thuê phòng lưu trú phục hồi 30 - 50% so với năm 2019.

Tương tự, quản lý khách sạn Sunlight (18 phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Tất Thành cho biết, khách lưu trú tại khách sạn ở khu phố cổ tăng dần đều theo từng tháng. Hiện tại, công suất sử dụng buồng, phòng bình quân của khách sạn Sunlight đạt khoảng 50 - 60%, vào ngày cuối tuần có thể đạt 90 - 100% công suất.

Không chỉ hệ thống khách sạn quy mô vừa và nhỏ tăng lượng khách thuê phòng mà một số khách sạn 4 - 5 sao ở khu vực trung tâm Hà Nội, như: Melia, Sheraton, Hilton Opera... đón được nhiều đoàn khách là thương nhân theo hình thức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).

Tại khách sạn Hanoi Hotel trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm), lượng khách đặt phòng hiện khoảng 40% là người địa phương và du khách trong nước, 60% là du khách nước ngoài. Việc kinh doanh, dịch vụ của khách sạn đang từng bước phục hồi khi du lịch bắt đầu bước vào mùa du lịch cao điểm.

Ở khu vực ngoại thành, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, như: Làng Mít, Glory resort (thị xã Sơn Tây); Asean resort (huyện Thạch Thất); Medi Thiên Sơn, Paragon resort (huyện Ba Vì)… công suất sử dụng phòng những ngày cuối tuần đạt khoảng 80 - 90%.

Theo Tổng giám đốc CBRE Việt Nam Đặng Phương Hằng, thị trường du lịch đang phục hồi, nhiều khách sạn trong TP Hà Nội có công suất thuê cao với sự trở lại của khách trong và ngoài nước.

“Sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại, hoạt động thị trường thuê phòng khách sạn khá khởi sắc. Công suất thuê phòng trung bình tăng 20% theo quý và 16% theo năm, đạt 43%. Giá phòng trung bình đạt 2 triệu đồng/phòng, tăng 11% theo quý và 14% theo năm” - bà Đặng Phương Hằng dẫn chứng.

Ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng; trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 25.057 phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch bao gồm cơ sở mua sắm là 31, 23 nhà hàng, 8 khu vui chơi giải trí, 1 khu thể thao.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù hoạt động lưu trú đang có nhiều tín hiệu tích cực, song muốn giữ chân du khách lưu trú lâu hơn đòi hỏi Hà Nội cần đầu tư nâng cấp hệ thống khách sạn.

Nhân viên khách sạn làm thủ tục cho khách nhận phòng
Nhân viên khách sạn làm thủ tục cho khách nhận phòng

Trưởng Bộ phận Quản lý tài sản mảng khách sạn, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE Việt Nam Chris Ely nêu rõ, thị trường khách sạn sẽ sớm đón làn sóng khách du lịch quay trở lại mạnh mẽ sau đại dịch. Đặc biệt yếu tố công nghệ được quan tâm, bởi không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn vấn đề vệ sinh, an toàn và sức khỏe cho khách lưu trú, mà còn nâng cấp chất lượng dịch vụ phòng họp, qua đó phục vụ tốt hơn cho khách đoàn doanh nghiệp.

 

Thị trường du lịch đang phục hồi nên nhiều dự án trong TP Hà Nội có công suất thuê cao, với sự trở lại của khách công tác và khách trong nước. Các thị trường nguồn mới đối với khách tham quan du lịch và khách công tác như Ấn Độ đang bắt đầu hiện diện.

Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell

Để thu hút khách quốc tế có mức chi tiêu cao, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, theo Quy hoạch phát triển du lịch định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ không phát triển cơ sở lưu trú quy mô dưới 10 phòng, mà ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch. Cụ thể, khu vực Hoàn Kiếm sẽ bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có, hạn chế phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt. Đồng thời, nghiên cứu khai thác hệ thống nhà cổ, khôi phục lại các kiến trúc nhà ở cũ của Pháp, hình thành loại hình lưu trú kết hợp nhà dân để khai thác những công trình phố cổ và công trình kiến trúc Pháp.

Khu vực Tây Hồ và Ba Đình sẽ tập trung phát triển mới khách sạn cao cấp với quy mô lớn. Khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm phát triển đa dạng hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn tại các khu vực định hướng phát triển hệ thống công trình công cộng hỗn hợp, thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở…

Khu vực huyện Đông Anh tập trung phát triển loại hình lưu trú cao cấp, quy mô lớn. Khu vực Sơn Tây, Ba Vì sẽ tập trung phát triển mới hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng từ các khu nghỉ dưỡng đến khách sạn, homestay, phù hợp định hướng thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư; chú trọng phát triển những khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Lý giải nguyên nhân khiến ngành du lịch ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nêu rõ, trong hoạt động kinh doanh lưu trú, việc quản lý đối với khách du lịch lưu trú đặc biệt chú trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an ninh. Vì thế, Hà Nội tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, cũng như các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm bảo đảm sự phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển của ngành du lịch.

“Việc quản lý tốt còn góp phần phân bổ mạng lưới cơ sở lưu trú đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, cân bằng sự phát triển giữa các vùng; tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn chống những tác động tiêu cực đến môi trường”- bà Đặng Hương Giang khẳng định