Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân vận

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/5, tại trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân vận năm 2023.

Dự và phát biểu chỉ đạo có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ.

Theo chương trình, trong thời gian 1 ngày các học viên của lớp bồi dưỡng sẽ được học tập, nghiên cứu 2 chuyên đề (Chuyên đề 1 về triển khai phong trào “Dân vận khéo” và Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Chuyên đề 2 là về những nội dung cơ bản của Luật Dân chủ ở cơ sở).

Tinh thần chủ yếu là cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng cơ bản để giúp các học viên có thể nghiên cứu, nắm bắt, tự tin vận dụng trong hoạt động thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho công tác. Các báo cáo viên được mời tham gia giảng bài là các báo cáo viên của T.Ư, lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy có uy tín, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, khả năng truyền đạt tốt.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Thành phố. Trong đó, Thành ủy đặc biệt coi trọng và giao Ban Dân vận Thành ủy chủ trì tham mưu, tổ chức các lớp bồi dưỡng đối với cán bộ dân vận các cấp. Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức các lớp tập huấn và chủ trì tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận hàng năm.

Trong những năm qua, đã có hàng trăm lớp bồi dưỡng về công tác dân vận do MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy tổ chức theo tinh thần thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của học viên, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố.

Qua đó, đội ngũ cán bộ dân vận từ Thành phố đến cơ sở cơ bản đảm bảo về số lượng, ngày càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo trong công tác, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị và nhiệm vụ chung của Thành phố.

Quang cảnh buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận lần này với 2 chuyên đề rất thiết thực, nhằm cung cấp tới các học viên những vấn đề mới đặt ra về công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố sau sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và việc triển khai thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Thông qua nghiên cứu, học tập, có tính hệ thống, bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm; có tính lý luận, khoa học, vừa mang tính thực tiễn cụ thể, sinh động, góp phần cung cấp đến các học viên những kiến thức cần thiết, giúp ích cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác dân vận tại các địa phương, đơn vị, hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Đây cũng là dịp giúp các học viên trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu giữa các địa phương, đơn vị, tăng cường học hỏi lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ từ đó phối hợp hiệu quả hơn trong công việc.

Trên tinh thần đó, Trưởng ban Dân vận Thành ủy đề nghị các học viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nghiêm túc học tập, chấp hành tốt nội quy, quy chế của lớp học. Phát huy tính chủ động, tự giác trong học tập, nghiên cứu theo sự gợi mở, định hướng của các báo cáo viên.

Quan trọng hơn nữa là, sau lớp học này, các học viên vận dụng, phát huy hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được trang bị, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn phong phú được tổng kết, đúc rút trong quá trình công tác, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong tham mưu xử lý, giải quyết những vấn đề lớn, khó và mới nảy sinh từ thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị với phương châm: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.