Hà Nội khai thác tốt các nguồn lực để phát triển Thủ đô - trái tim của cả nước

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu làm trưởng đoàn làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội. Dự và tiếp đoàn có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết: Luật xuất nhập cảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Hà Nội du lịch, đầu tư, học tập. Năm 2018, số lượng người nước ngoài khai báo tạm trú gấp 2 lần so với năm 2014, trong đó 70% là khách du lịch, hàng năm tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60.000 tỷ đồng.
 Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội làm việc với Hà Nội
Với môi trường chính trị ổn định, sự đồng bộ giữa Luật đầu tư và Luật xuất nhập cảnh đã góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư. Tính đến nay, Hà Nội thu hút được 33,8 tỷ USD với 4.375 dự án với tổng vốn tăng dần qua từng năm. Năm 2014 cấp mới 288 dự án với tổng vốn 243 triệu USD, đến năm 2018 là 663 dự án với 6,2 tỷ USD. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục, Hà Nội được xếp trong 10 TP năng động nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài qua mạng điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Công tác trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý người nước ngoài còn hạn chế, mặc dù đã có Quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý người nước ngoài nhưng việc thực hiện chưa có hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm của người nước ngoài còn nhiều khó khăn do một số hành vi chưa có chế tài xử lý; chưa có biện pháp đảm bảo thực hiện các quyêt định xử lý vi phạm hành chính.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
UBND TP Hà Nội kiến nghị với Đoàn giám sát cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến Luật xuất nhập cảnh như quy định tạm trú của người nước ngoài; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, đánh giá và hoàn thiện quy chế phối hợp theo quy định của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức hướng dẫn việc chấp hành pháp luật đối với người nước ngoài.

Tại buổi làm việc, trả lời các vấn đề mà đoàn công tác quan tâm, về việc chia sẻ dữ liệu về quản lý xuất nhập cảnh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên có dữ liệu kê khai về người nước ngoài bằng phần mềm mà TP xây dựng. Chủ tịch UBND TP cho rằng, các bộ ngành liên quan cần xem xét sử dụng thống nhất một phần mềm; phân quyền, phân cấp cụ thể để có thể quản lý tốt hơn. “Nếu mỗi nơi đều có một phần mềm, chắc chắn sẽ không thể kết nối được” - Chủ tịch UBND TP nói.

Chủ tịch UBND TP cũng đề xuất nên bổ sung, sửa đổi Luật xuất nhập cảnh để sát với các yêu cầu thực tế. Chủ tịch UBND TP lấy ví dụ khi Hà Nội tổ chức giải đua xe F1, sẽ có 3.500 khách VIP, rất nhiều CEO các tập đoàn lớn thế giới; các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới đến Hà Nội thì cũng phải tính toán đến việc tạo điều kiện xuất nhập cảnh cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Liên quan đến công tác cải cách hành chính trong quản lý người nước ngoài, Chủ tịch UBND TP cho biết Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu các cơ sở lưu trú tại địa bàn và hệ thống đó giúp Hà Nội chỉ trong một ngày đã chuyển hơn 5.000 khách nước ngoài và trong nước từ khách sạn này sang khách sạn khác để phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa qua.

 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu – Trưởng đoàn giám sát cho biết, nhìn chung ý kiến thành viên hội đồng giám sát đánh giá cao TP Hà Nội tranh thủ tối đa chính sách mở cửa hội nhập để khai thác tốt các nguồn lực để phát triển Thủ đô – trái tim của cả nước.

Hà Nội có hệ thống văn bản hoàn chỉnh, có chương trình hành động cụ thể trong công tác quản lý người nước ngoài. Đặc biệt, Hà Nội có cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nhiệm vụ này rất đa dạng, có chiều sâu và hiệu quả. Nhờ đó, thành phố đã đạt những kết quả đáng kể, 

Cụ thể, những năm gần đây, tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài của TP Hà Nội ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước và chất lượng hơn; Hà Nội từ một tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp, đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng, nay đã đứng trong số khoảng 10 tỉnh, thành có năng lực cạnh tranh tốt nhất của cả nước.

“Hà Nội là địa bàn rộng lớn, việc đứng trong nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là rất khó. Điều đó cho thấy niềm tin cực kỳ cao của người dân, doanh nghiệp đối với Thành phố. Hà Nội trở thành trung tâm, trái tim, động lực của cả nước”, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng nhận xét, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao đổi, trả lời rõ ràng, cụ thể các vấn đề thành viên đoàn giám sát quan tâm “một cách rất thỏa mãn”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng lưu ý thêm, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ những giải pháp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn TP như vấn đề nhà ở, việc làm, văn phòng làm việc…

Đồng tình với các kiến nghị của thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu khẳng định, đoàn công tác ghi nhận các ý kiến xác đáng và sẽ xem xét kiến nghị cấp có thẩm quyền từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật để khắc phục các vấn đề bất cập hiện nay...