Có lẽ, không địa phương nào "khát" khu vui chơi giải trí như Hà Nội, bởi mặc dù là nơi tập trung hàng ngàn dự án bất động sản (BĐS) lớn nhỏ nhưng mới dừng ở việc cung cấp chỗ ở cho người dân là chính.
Nguồn cầu lớn
Mặc dù trời mưa, nhưng ngày 2/9 vừa qua, khi Trung tâm Lotte Center khai trương đã có hàng ngàn người xếp hàng đợi để vào tham quan, mua sắm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngoài sự tò mò thì nhu cầu về chỗ vui chơi giải trí của người dân lâu nay vẫn đang là một khoảng trống lớn của Hà Nội. Thực tế cho thấy, không chỉ dịp nghỉ lễ mà vào các ngày cuối tuần tại các tổ hợp giải trí, cảnh người dân chen chúc cũng diễn ra phổ biến, rõ nhất là tại các trung tâm thương mại như Royal City, Times City, Vincom Bà Triệu, Mipec, Keangnam, Trung tâm chiếu phim Quốc gia… Và cả những địa điểm truyền thống như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ… cũng không kém phần đông đúc.
Hà Nội hiện đang cần nhiều khu vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Phạm Hùng
|
Còn nếu muốn được vui chơi trong không gian rộng mở, gần gũi thiên nhiên, điểm đến cũng không có nhiều lựa chọn. Hiện nay, trên địa bàn TP, những khu đáp ứng được nhu cầu này chỉ đếm trên đầu ngón tay, với các địa chỉ quen thuộc như: Bảo tàng Dân tộc học, Công viên Nước Hồ Tây, Thiên Đường Bảo Sơn, Làng cổ Đường Lâm, Bát Tràng… Đấy là chưa kể muốn chơi thể thao như bóng đá, cầu lông, tennis… người chơi phải đặt lịch từ trước cả mấy ngày. Các địa điểm chụp ảnh, dã ngoại cắm trại cũng vẻn vẹn quanh Lovegarden (Lạc Long Quân, Tây Hồ), Bãi đá, Bãi giữa sông Hồng, Vườn hoa Tứ Liên… đang dần trở nên nhàm chán. Các khu vui chơi trong các khu đô thị lại càng thiếu hụt trầm trọng cả về chất lượng và số lượng.
Do đó, phần đông người sống ở Thủ đô vẫn cảm thấy khó khăn mỗi khi nghĩ đến chuyện đi chơi ở đâu, xem gì, xa gần, đắt rẻ. Và cũng chính vì thiếu điểm vui chơi, nên giới trẻ thường phải vào các tổ hợp giải trí thương mại, bằng lòng với các trò game điện tử.
Tăng cung,cần mạnh thường quân
Trao đổi với một số chuyên gia BĐS, hầu hết đều cho rằng, nguyên nhân của việc thiếu hụt các khu vui chơi giải trí là do quỹ đất trên địa bàn TP không nhiều trong khi nguồn cung nhà ở vẫn đang thiếu. Bên cạnh đó, để xây dựng một khu vui chơi giải trí cần diện tích đất lớn hơn rất nhiều so với phát triển dự án nhà ở hay trung tâm thương mại, nhất là các khu có đầy đủ tiêu chí giải trí, nghỉ ngơi đi kèm mua sắm, ăn uống. Hơn thế, việc đầu tư phát triển BĐS giải trí không phải nhỏ, lại cần trường vốn để duy trì hoạt động trước khi thu lợi. Mặt khác, giống như BĐS du lịch nghỉ dưỡng, BĐS giải trí cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chuyên biệt trong quản lý vận hành và phát triển. Đồng thời hoạt động, loại hình vui chơi giải trí, cơ sở hạ tầng của khu cũng phải luôn thay đổi, mới lạ, nâng cao chất lượng phục vụ để hấp dẫn người dân. Bởi sự nhàm chán, lạc hậu và chất lượng kém là yếu tố chính không thu hút người dân tại các khu giải trí.
Với những đặc điểm riêng biệt đó, BĐS giải trí khá kén nhà đầu tư. Do đó, để phát triển và kích cầu, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trần Ngọc Quang cho rằng: "Nhà nước cần xem xét lại các vấn đề quy hoạch, quan tâm và có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với các nhà đầu tư muốn phát triển BĐS giải trí, nhất là giải trí gắn liền với thiên nhiên, môi trường… Đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc tạo dựng những khu riêng, quy hoạch hoàn chỉnh bài bản, đầu tư xây dựng hạ tầng về đường, điện, nước... Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ vui chơi giải trí tại các khu đô thị, tránh chủ đầu tư gian lận, cắt xén, ăn bớt làm đất nhà ở".BĐS giải trí là loại hình BĐS chuyên biệt song với nguồn cầu ngày càng lớn, nguồn cung hạn hẹp như hiện nay, thì đây thực sự là một cơ hội lớn, tiềm năng cho các nhà đầu tư thử sức.