Nguy cơ cao
Ông Dương Thiết Xây quản lý gần 30ha rừng tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, mấy năm qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn trở thành “điểm nóng” về cháy rừng. Các vụ cháy rừng tuy không gây thiệt hại lớn về cây rừng nhưng nguy cơ cháy luôn ở mức cao, đặc biệt là vào mùa hanh khô (từ 1/10 năm trước đến 31/5 năm sau). Đáng lo ngại, phương tiện chữa cháy tại chỗ hầu như rất thô sơ; biện pháp chữa cháy đơn giản, chủ yếu vẫn dùng cuốc, xẻng phát thảm thực vật tránh cháy lan và dùng cành cây tươi để dập lửa.
Hiện trường một vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn đầu năm 2021. |
Từng tham gia hầu hết các cuộc chữa cháy rừng, ông Ngô Xuân Thanh - Đội cơ động PCCC rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Hà Nội tỏ ra lo ngại về năng lực cũng như tâm lý chủ quan trong công tác PCCC rừng của người dân địa phương. "Mùa hanh khô, dù đã được cảnh báo khả năng xảy cháy thường xuyên theo các cấp độ nhưng nhiều người, nhất là khách du lịch vẫn mang nguồn lửa hay đốt lửa gần các khu rừng. Nếu không được phát hiện, dập tắt sớm, việc cháy lan rộng khó tránh khỏi" – ông Thanh nói.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, gây thiệt hại tổng diện tích 26,3ha. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy rừng giảm 1 vụ, nhưng số điểm cháy tăng 4 và diện tích rừng bị cháy cũng tăng 11,47ha. Điều đáng lưu ý là cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên nhân của 3 vụ, còn lại chưa xác định được nguyên nhân vì sao rừng bị cháy.
Diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Ba Vì |
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, 10 tháng năm 2021, trên địa bàn TP xảy ra 18 vụ cháy rừng, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2020; thiệt hại chủ yếu là thảm thực bì, lau lách, không thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng thời gian qua ở Hà Nội là do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hanh xảy ra trên diện rộng.
"Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà đáng nói hơn, rừng trồng phải mất ít nhất 10 năm cây cối mới xanh tươi trở lại; thậm chí rừng thông nhiều năm tuổi có khi phải mất tới 20 năm, 30 năm, thiệt hại về môi trường khó có thể đong đếm" - ông Tuyên nhấn mạnh.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”
Ðể giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ, PCCC rừng mùa khô năm 2021 - 2022. Thực hiện chỉ đạo của TP các địa phương có rừng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCCC rừng.
Theo đó các địa phương có rừng đã kiện toàn ban chỉ huy và tổ xung kích PCCC rừng tại xã có rừng; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong PCCC rừng; hướng dẫn, quản lý chặt chẽ việc đốt dọn thực bì làm nương theo quy hoạch... Bên cạnh đó, các huyện cũng lập và triển khai phương án phối hợp PCCC rừng với lực lượng chuyên trách, tập trung hướng dẫn chủ rừng thực hiện chữa cháy ở cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ".
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn rà soát hiện trạng rừng trên địa bàn. Ảnh: Ánh Ngọc |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hầu hết vụ cháy rừng đều xảy ra vào thời điểm nắng nóng hoặc hanh khô kéo dài, gió thổi mạnh, dù phát hiện kịp thời nhưng công tác chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn, các phương tiện chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận hiện trường nên việc PCCC theo phương châm “4 tại chỗ" là rất quan trọng.
Theo ông Tạ Văn Tường, chính lực lượng tại chỗ sẽ kịp thời phát hiện cháy và chủ động chữa cháy khi lửa chưa lan rộng, nên hiệu quả chữa cháy sẽ cao. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí cho công tác PCCC rừng còn hạn hẹp nên dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng tại chỗ còn thiếu, đa số là dụng cụ thô sơ như: Cuốc, xẻng, bình bơm nước cỡ nhỏ… Đáng lo ngại, vẫn tồn tại trường hợp cố tình lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm gia tăng nguy cơ cháy. Trong khi đó, phần lớn các vụ cháy rừng thời gian qua chưa được xử lý đến nơi đến chốn và không tìm ra được đối tượng gây cháy.
Để công tác PCCC rừng hiệu quả, nhất là trong mùa hanh khô, TP Hà Nội đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhiệm vụ PCCC rừng. Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng, lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trong và gần rừng cùng khách du lịch nâng cao ý thức về PCCC rừng; phân công các lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.
Hà Nội có hơn 27.726ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố ở 7 huyện, thị xã. Rừng của Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, đồng tuổi, một tầng, cơ cấu loài cây đơn giản (keo, bạch đàn), có thảm thực bì dưới tán dày, phát triển mạnh, độ khô nỏ cao. Đặc biệt, rừng của Hà Nội gắn liền với các công trình văn hóa lịch sử, thường là nơi tổ chức lễ hội, lại xen kẽ với các khu dân cư là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. |