Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Không có tình trạng đầu cơ, tăng giá gạo trục lợi bất chính

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, giá lúa gạo trong nước đã tăng đáng kể do tác động của giá gạo xuất khẩu và lo ngại an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường mặt hàng gạo.

Siêu thị chưa tăng giá gạo

Các DN chuyên sản xuất, cung ứng gạo cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu xác nhận kể từ khi Ấn Độ công bố dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (ngày 20/7) đến nay, giá một số loại gạo đã tăng giá ít nhất 10% - 15%. Nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường cũng tăng so với trước, mặc dù lượng gạo lưu kho DN, nhà phân phối, đại lý, cửa hàng luôn đầy ắp.

Kênh bán lẻ hiện đại cũng đang ghi nhận lượng khách hàng mua gạo gia tăng kể từ đầu tháng 8 đến nay. Đơn cử, doanh thu bán gạo tại hệ thống siêu thị MM Mega Market tăng đến 40% trong tuần đầu tiên của tháng 8. Theo Giám đốc Marketing Mega Martket Đinh Quang Khôi, do siêu thị vẫn giữ ổn định giá gạo nên những khách hàng sỉ (nhà hàng, bếp ăn tập thể) trước đây mua gạo ở đại lý, cửa hàng, nay chuyển qua mua ở siêu thị để có giá rẻ hơn.

Nguồn cung và giá bán gạo tại thị trường Hà Nội vẫn ổn định
Nguồn cung và giá bán gạo tại thị trường Hà Nội vẫn ổn định

"Mega Martket có 5 nhà cung cấp gạo lớn nhưng 3 đơn vị vừa đề xuất tăng giá 5 - 20%, áp dụng từ tuần thứ 3 của tháng 8. Do đó, khả năng siêu thị sẽ đồng ý tăng giá nhưng sẽ tính toán tăng nguồn cung gạo của các DN bình ổn thị trường để góp phần ổn định mặt bằng giá gạo và hỗ trợ người tiêu dùng” – ông Đinh Quang Khôi cho hay.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ: Co.opmart đã chốt các chương trình khuyến mãi với nhà cung cấp ngay trước thời điểm có thông tin gạo Ấn Độ cấm xuất khẩu, thời hạn kéo dài đến cuối tháng 1/2024 nên chưa điều chỉnh giá bán. Nhà cung cấp cũng cam kết lượng hàng. "Thời gian tới giá bán có thể biến động nhưng do đã có sự chuẩn bị nguồn hàng từ trước nên chúng tôi sẽ bình ổn được giá thị trường" – bà Nguyễn Thị Kim Dung thông tin.

Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, giá gạo bán lẻ tại các hệ thống siêu thị khác trên địa bàn TP Hà Nội như: Big C, Go!, Lotte Mart… vẫn ở mức ổn định. Nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại các hệ thống siêu thị này vẫn bình ổn do hầu hết đơn vị có nguồn dự trữ tốt và đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.

Kiểm soát để bình ổn giá gạo

Nhiều DN phân phối cho hay, khi gạo tăng giá thì các DN chế biến sản phẩm cũng phải tăng giá sản phẩm đầu ra tương đương. Riêng gạo phân phối cho hệ thống siêu thị vẫn không tăng giá do hợp đồng ký kết với các siêu thị là dài hạn, thời gian tăng giá chưa đủ dài. Tuy nhiên, nếu tới đây, giá gạo tiếp tục tăng cao thì DN buộc phải đề nghị điều chỉnh giá. Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định: Hiện nay, giá gạo đang có xu hướng tăng nhưng sẽ có điểm dừng. Nhằm nỗ lực ổn định giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Hiệp hội Lương thực cùng với ngành công thương đang triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp với DN sản xuất, siêu thị triển khai nhiều chương trình giảm giá hỗ trợ người dân mua sắm.

Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường mặt hàng gạo
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường mặt hàng gạo
 

Ngành Công Thương Hà Nội xác định, nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm nguồn cung hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng gạo ra thị trường đầy đủ, ổn định. Dự kiến nhu cầu tiêu dùng gạo của TP khoảng 97.650 tấn/tháng tương đương với 1,17 triệu tấn/năm. Lượng gạo hiện tại đáp ứng nhu cầu của Nhân dân Thủ đô những tháng cuối năm 2023, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nếu có sốt giá cục bộ, ngành Công Thương sẽ tổ chức bán hàng lưu động với giá ổn định cho người dân. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Theo Sở Công Thương Hà Nội, giá gạo tiêu dùng trên địa bàn vẫn ổn định, giá gạo của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 vẫn giữ nguyên. Theo đó, trong tháng 7/2023, giá bán lẻ gạo tẻ thường ở mức 15.900 - 16.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 19.500 - 20.900 đồng/kg, gạo nếp thường 22.500 đồng/kg, gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg…

Theo đó, các DN tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo chủ động thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng; cung ứng đủ, vượt số lượng gạo đã đăng ký trong mọi tình huống; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký bình ổn.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin: Sở đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường và chấp hành đầy đủ quy định về trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa, trong đó có giá mặt hàng gạo tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn; nhắc nhở, chấn chỉnh, hỗ trợ hoạt động của mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn TP.