Sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các Ban HĐND TP Hà Nội đã tiến hành khảo sát về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Đông Anh và thị xã Sơn Tây.
Trong các buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã đến khảo sát thực địa tại lễ hội Đền Sái (xã Thụy Lâm), lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa)-huyện Đông Anh và chùa Mía, di tích Đền Và-thị xã Sơn Tây.
Tại huyện Đông Anh, theo đại diện UBND huyện, trên địa có tổng số 98 lễ hội truyền thống diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 11 Âm lịch, trong đó 83 lễ hội diễn ra vào 3 tháng Xuân (tháng Giêng có 51 lễ hội). Để đảm bảo các lễ hội thực sự phát giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Riêng đối với lễ hội Cổ Loa, Đền Sái, UBND huyện chỉ đạo xã Cổ Loa, Thuỵ Lâm thành lập Ban tổ chức, các Tiểu ban và xây dựng phương án về quản lý và tổ chức lễ hội xuân, thông báo công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về công tác vệ sinh môi trường, công tác quản lý nhà nước trong tổ chức lễ hội, thực hiện quy chế ứng xử văn minh nơi công cộng...
Đồng thời, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo tổ chức công tác vệ sinh môi trường, bố trí khu vực bán hàng cho Nhân dân khoa học, phù hợp; dọc các trục đường chính, khu vực Đền, Đình.... tuyệt đối không để các hộ dân kinh doanh, buôn bán, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng không gian linh thiêng tại di tích; xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp; bố trí cây cảnh, hoa trang trí khu vực lễ đẹp, làm tốt công tác an ninh trật tự...
Đối với thị xã Sơn Tây, theo đại diện UBND huyện, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 65 lễ hội truyền thống, tập trung nhiều vào tháng Giêng (riêng trong tháng Giêng trên địa bàn thị xã có hơn 30 lễ hội diễn ra). Các lễ hội đã thành lập ban tổ chức; xây dựng kế hoạch, kịch bản, nội dung, chương trình... đảm bảo đúng hướng dẫn. Các nghi thức diễn ra tại các lễ hội được tiến hành trang trọng, nghiêm túc theo đúng truyền thống, có ý nghĩa giáo dục, tiết kiệm. Phần hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh, phong phú với các chương trình trò chơi mang đậm nét truyền thống.
Tại các lễ hội lớn, UBND thị xã đã chỉ đạo UBND các xã, phường quy hoạch, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông đảm bảo an toàn và mĩ quan.
Đáng chú ý, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, tại một số điểm di tích lớn trên địa bàn thị xã như: Lễ hội vùng Đền Và (phường Trung Hưng) và lễ hội các lễ hội diễn ra tại Đường Lâm (lễ giỗ vua Phùng Hưng, lễ hội đình Mông Phụ, lễ Chùa Mía...) thu hút đông Nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, hành lễ đầu xuân. Đây là năm thị xã Sơn Tây thu hút lượng du khách tăng nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, mọi hoạt động tham quan, tín ngưỡng đều đảm bảo an toàn, vui vẻ, trang nghiêm; không xảy ra hiện tượng mất cắp cổ vật, mê tín dị đoan, các vụ lộn xộn, đổi tiền lẻ, ăn xin, bói toán, chèo kéo khách...
Đặc biệt, không có hành vi xâm hại, lấn chiếm di tích, xây dựng trái phép các đền thờ để thu lợi bất chính hay phá hoại cảnh quan; không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan như phán truyền, bói toán, đốt nhiều đồ mã...
Kết quả khảo sát Đoàn ghi nhận công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại huyện Đông Anh, thị xã Sơn Tây được triển khai thực hiện bài bản, chủ động. Các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, văn minh đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách.
Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình nhận định, việc hoạch, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao được thông tại khu vực xung quanh nơi diễn ra lễ hội đảm bảo an toàn và mỹ quan; Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho Nhân dân và du khách về tham dự lễ hội được chú trọng, đảm bảo an toàn, thông suốt trong những ngày lễ hội không để xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, đổi tiền lẻ, chèo kéo khách…
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại nơi tổ chức lễ hội được chú trọng.
Đoàn khảo sát đã ghi nhận những kết quả trong công tác quản lý lễ hội trên địa bàn huyện Đông Anh và thị xã Sơn Tây. Các đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo, chỉ đạo quyết liệt và tạo sự chuyển biến căn cơ, sâu rộng-rõ nét nhất là việc phát huy giá trị di tích lịch sử.