Hà Nội không dàn trải trong thu hút vốn đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), là một trong những ưu tiên nhằm tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô trong thời gian tới.

Sản xuất tại Công ty Nhựa Hà Nội. 	Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất tại Công ty Nhựa Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Tuy nhiên, không chạy theo số lượng, hoạt động xúc tiến đầu tư của Hà Nội được xác định có trọng tâm trọng điểm, lựa chọn những dự án có giá trị gia tăng lớn với hàm lượng công nghệ, chất xám cao.

Môi trường đầu tư cải thiện

Thông tin từ Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, trong thời gian qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những thủ tục hành chính về cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án ngày càng được đơn giản, thông thoáng, minh bạch hơn. Việc áp dụng cơ chế “Một cửa” liên thông đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đăng ký đầu tư vào Hà Nội. Qua đó góp phần cải thiện các chỉ số cạnh tranh như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 18 bậc, đứng thứ 33/63; Chỉ số cải cách hành chính tăng 2 bậc, đứng thứ 5/63; Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 2; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 3/63 tỉnh thành…

Việc Hà Nội đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư đã có tác dụng đưa Hà Nội là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Tính đến nay, tổng vốn FDI vào Hà Nội đạt trên 22,3 tỷ USD với trên 2.723 dự án của các nhà đầu tư đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đáng ghi nhận là Hà Nội đã tận dụng thế mạnh là trung tâm sản xuất và giao thương đầu mối của khu vực phía Bắc để thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng chất xám cao. Đặc biệt, những năm qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực phân phối diễn ra khá mạnh với sự xuất hiện một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: BigC, Metro, Parkson, Lotte… góp phần tạo dựng hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, khi cộng đồng DN đối diện với không ít những thách thức nhưng thu hút vốn đầu tư của TP vẫn đạt kết quả khả quan. Điều này phần nào cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh của Hà Nội đối với các DN. Đặc biệt, việc thu hút vốn FDI thời gian qua cho thấy phần lớn là vốn do DN điều chỉnh tăng thêm. Điều đó thể hiện sự tin tưởng vào khả năng bảo toàn vốn và phát triển của các DN chọn Hà Nội làm điểm đến trong quá trình đầu tư.

Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, căn cứ theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, TP Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến 2020 thu hút 180 - 190 tỷ USD vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

Kế hoạch cụ thể đã có, nhưng điều quan trọng là việc mục tiêu này sẽ được triển khai thực hiện ra sao? Theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN, TP Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của TP, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Kiện toàn tổ chức bộ máy xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Hà Nội với các địa phương khác.

Cùng với tăng cường xúc tiến đầu tư các dự án mới, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, TP Hà Nội còn tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư bằng những việc làm cụ thể. Hằng năm, UBNDTP Hà Nội đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền với DN, qua đó nắm tình hình, tháo gỡ và giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của DN, giúp DN đẩy nhanh triển khai các dự án, hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả. “Nếu tất cả cùng nỗ lực thực hiện tốt chương trình xúc tiến đầu tư, sẽ có một làn sóng đầu tư mới vào Hà Nội, bao gồm cả vốn FDI và vốn trong nước” - bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội nhấn mạnh.

Quan tâm chất lượng thay vì số lượng

Mặc dù đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 thu hút gần 200 tỷ USD vốn đầu tư nhưng không vì thế TP đánh đổi chất lượng để lấy số lượng dự án. Các dự án đầu tư được xác định nhắm vào chất lượng và hiệu quả tổng thể, không dễ dãi trong quá trình chọn đối tác đầu tư. Cụ thể, TP chú trọng thu hút các dự án có hàm lượng chất xám cao, tiêu thụ ít năng lượng, ưu tiên công nghệ mới và những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, không gây ảnh hưởng tới môi trường. Cũng theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, trong quá trình kêu gọi đầu tư, TP đã đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể. Đơn cử dự án phải hướng vào việc thực hiện tốt nhất nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước; Ưu tiên những DN đã đầu tư vào Việt Nam và đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội, qua đó phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, kể cả các nguồn lực tự nhiên và nguồn nhân lực…

Theo Phó chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, mặc dù TP Hà Nội rất quan tâm, kêu gọi các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào Hà Nội bởi họ có thế mạnh về vốn, công nghệ và tầm ảnh hưởng trên thị trường quốc tế. Việc khuyến khích đầu tư cũng tập trung có trọng điểm, trọng tâm, tránh dàn trải. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã trở thành đối tác lâu dài, qua đó đẩy nhanh tốc độ hình thành, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, các nhà đầu tư, DN từ Mỹ, EU… cũng là những đối tác quan trọng để tranh thủ nguồn lực cũng như công nghệ của những DN này.
Ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm HITTPC:
Cầu nối doanh nghiệp với chính quyền
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 38/ QĐ –TTg ngày 13/1/2015 thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch (tên giao dịch quốc tế HITTPC). HITTPC là đơn vị công lập, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng hoạt động theo quy định của pháp luật. Sau khi đi vào hoạt động, ngoài việc tham mưu về các cơ chế, chính sách, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư nước ngoài vào TP, HITTPC là nơi cung cấp, giới thiệu các dịch vụ cho DN trong nước và nước ngoài tìm cơ hội và đối tác kinh doanh tại Hà Nội. HITTPC chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo lập môi trường đầu tư, thương mại, du lịch theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế; Thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh làm ăn thành công và lâu dài tại Thủ đô.
8 dự án trọng điểm kêu gọi vốn FDI
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn quốc tế quy mô khoảng 1.000 giường tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm; Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học đẳng cấp quốc tế tại xã Tiên Phương (Chương Mỹ), 20ha; Dự án đầu tư xây dựng Trường cao đẳng kỹ thuật nghề xã Sơn Hà (Phú Xuyên), 6ha; Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao xã Xuân Nộn (Đông Anh) 300ha. Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics tại xã Tô Hiệu (Thường Tín), diện tích từ 10 - 50ha; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bán buôn cấp vùng tại xã Tiến Xuân (Thạch Thất) từ 10 - 50ha; Xây dựng Khu Công viên vui chơi giải trí phường Hà Cầu - Kiến Hưng (Hà Đông), diện tích 50 - 100ha; Nhóm Dự án dọc trục đường Nhật Tân - Nội Bài tại huyện Đông Anh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần