Hà Nội: Không để nông sản khan hàng, sốt giá dịp cuối năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu về thực phẩm từ nay tới cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng mạnh, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đang đặt ra bài toán khó về nguồn cung nông sản. Để giải quyết nhu cầu thực phẩm cho người dân Thủ đô, ngành nông nghiệp Hà Nội đã sớm lên kịch bản đa dạng nguồn cung, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Đa dạng nguồn cung
Hà Nội là đô thị với hơn 10 triệu dân, trong khi sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được từ 30 - 65% nhu cầu nông sản. Cụ thể, nhu cầu về gạo 1 tháng là 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 91,1% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng cung ứng 10.671 tấn); rau củ 103.300 tấn (khả năng cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây 52.000 tấn (khả năng cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu.
Nông dân chăm sóc rau màu tại xã Tiền Lệ, huyện Hoài Đức.
Đặc biệt, vào dịp cuối năm, nhu cầu về các sản phẩm này tăng 20 - 30%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, dự báo nguồn cung nông sản thiết yếu cho Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp cuối năm, ngành nông nghiệp Hà Nội đã sớm lên kịch bản về nguồn cung ứng.
Tại các vùng ngoại thành Hà Nội những ngày này, không khí sản xuất của nông dân khá khẩn trương. Do giá rau xanh vụ Đông được giá, nên nông dân phấn khởi, đẩy nhanh gối vụ. Đang nhanh tay chăm sóc ruộng bắp cải, su hào, anh Nguyễn Văn Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) phấn khởi cho biết: “Năm nay nông dân trồng rau trúng lớn vì được giá. Vì vậy, cách đây gần 1 tháng, sau khi thu hoạch hơn 1 mẫu su hào, bắp cải và súp lơ, gia đình tôi lập tức xuống giống lứa mới để kịp cung ứng cho thị trường Tết”.
Còn tại vùng chăn nuôi gà đồi Ba Vì, các hộ dân cũng đã tăng đàn lên khoảng 30% để phục vụ thị trường Tết. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành cho biết, nhiều năm nay, việc chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện phát triển ổn định với quy mô nông hộ 100 - 500 con/hộ, chăn nuôi trong trại 2.000 - 10.000 con. Trong năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá gà biến động mạnh, ảnh hưởng tới tâm lý của người chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay cơ bản các hộ đã tăng đàn trở lại để phục vụ thị trường Tết.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để đảm bảo nguồn cung nông sản dịp cuối năm, một mặt khuyến khích nông dân mở rông diện tích cây rau màu vụ Đông, tăng đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT cũng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nông dân tăng năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc liên kết với DN tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để nông dân yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với ngành công thương và nhiều tỉnh, thành trên cả nước xây dựng phương án cung ứng nông sản cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội hiện có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các chuỗi này đang kiểm soát, cung ứng 1.370 loại sản phẩm tại 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
“Thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát. Do vậy, từ nay tới cuối năm, Hà Nội cơ bản có thể bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô” - ông Chu Phú Mỹ cho hay.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng, vận chuyển các mặt hàng rau, thịt, cá… tăng mạnh, đi kèm với đó là nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc chủ động nguồn cung, ngành nông nghiệp cũng đặc biệt chú ý tới vấn đề an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với phương châm giám sát từ gốc, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát để kịp thời ngăn chặn các nguy cơ; phát hiện, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm.
 Chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại Hợp tác xã Hoàng Long (Tân Ước, Thanh Oai).
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng đã lấy 1.039 mẫu, tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao để giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản. Kết quả cho thấy, 94,4% mẫu đạt yêu cầu, 5,6% mẫu vi phạm tiêu chí an toàn thực phẩm, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với những mẫu vi phạm, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục; đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật và thông tin kịp thời đến người tiêu dùng để phòng tránh, không sử dụng.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã triển khai một số giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm, như GAP, HACCP, ISO 22000… Qua đó, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường.
Hiện nay TP đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn. Hiện toàn TP có 40 mô hình sản xuất rau áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) trên diện tích hơn 1.700ha; 181ha nuôi thủy sản; 88 cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; gần 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ… Hà Nội đã hỗ trợ phát triển 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cấp mã truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử QR Code…
“Đối với các loại nông sản nhập từ địa phương khác, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm trên diện rộng, nhằm truy xuất nguồn gốc, phát hiện, yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Các cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo hình thức đột xuất cơ sở kinh doanh, sơ chế, giết mổ, chế biến sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.