Hà Nội không để thiếu hàng tiêu dùng trong dịch Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/9, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở Công Thương Hà Nội thông tin về chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong thời gian diễn ra dịch Covid-19.

Trước diễn biến bất thường của dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng, triển khai kịp thời 4 phương án bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa ứng phó với thay đổi của dịch.
Người tiêu dùng mua hàng tiêu dùng tại siêu thị Big C.
Qua đó TP Hà Nội huy động, các DN tham gia Chương trình bình ổn, bảo đảm dự trữ 17 nhóm hàng hóa thiết yếu trong 3 tháng quý III/2020 với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng, đồng thời xây dựng phương án dự trữ thêm lượng hàng hóa phục vụ các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng Bắc bộ với trị giá hàng hóa khoảng 21.500 tỷ đồng.
Để nắm sát tình hình hàng hóa, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra  về công tác chuẩn bị hàng hóa và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn.
Báo cáo của các DN dự trữ hàng hóa cho thấy đã dự trữ lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng 2 - 5 lần so với các tháng bình thường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các tỉnh, TP sẵn sàng cung ứng đưa hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Trong những tháng cuối năm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay ngành công thương Hà Nội tiếp tục tổ chức thực hiện các Chương trình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; Chương trình bình ổn thị trường 4 tháng cuối năm 2020 theo kế hoạch.
Người tiêu dùng mua hàng tiêu dùng tại siêu thị Coop Mart Hà Đông
Bên cạnh đó, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các chương trình công tác thúc đẩy phát triển sản xuất hàng Việt theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Xây dựng Kế hoạch đầu tư công đối với các chợ giai đoạn 2020 - 2025; khuyến khích đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường; khuyến khích các siêu thị trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, nâng cao tỷ lệ bán hàng Việt; tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2020 và phương án 4 bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ của Trung ương và TP nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố (giai đoạn 3).
Đồng thời tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn TP kết hợp tuyên truyền, phổ biến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức trong dịch bệnh; lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả…