Dự hội nghị có Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị Bộ NN&PTNT làm việc với TP Hà Nội |
Liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm là xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội không kiến nghị Bộ NN&PTNT hạ cốt đê sông Hồng mà kiến nghị thay đổi kết cấu đoạn đê từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê đắp bằng đất chuyển thành đê bê tông. Thực tế, đoạn đê từ Phúc Tân đến An Dương đã làm rồi. Nếu thay đổi kết cấu đê như vậy, kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp và cân hơn. Thứ hai là khi chuyển từ đê đất sang đê bê tông, hoàn toàn mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m. Thứ ba, TP đã xin ý kiến dân cư hai bên tuyến đê từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương và nhận được sự đồng tình cao. Khi làm được con đường như vậy, giao thông sẽ tốt hơn, người dân đi từ đê xuống hai bên sẽ thuận lợi hơn do hạ độ dốc.
Liên quan đến khả năng con đê có chống chịu lũ được hay không, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên hệ thống sông Đà đã có một số nhà mày thủy điện như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, còn trên sông Lô có thủy điện Na Hang, trên sông Hồng thì phía Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà máy thủy điện. Hơn nữa, ở phía ngoài đê, người dân đã làm nhà nên mặt đê bê tông không chịu áp lực trực tiếp của nước. Đặc biệt, với công nghê mới hiện nay thì làm đê bê tông nên hoàn toàn có thể chịu được áp lực.Quang cảnh Hội nghị Bộ NN&PTNT làm việc với TP Hà Nội |
Chủ tịch UBND TP cho biết thêm, theo Nghị quyết của Thường trực Thành ủy Hà Nội, hiện nay UBND TP đang triển khai quy hoạch tuyến đê được kết hợp sông Hồng chạy qua địa bàn TP với nguồn vốn huy động của DN. TP mong muốn thời gian tới, Bộ NNN&PTNT cử một nhóm phối hợp với Hà Nội ngay từ đầu để triển khai nhanh tốc độ quy hoạch. Hiện nay, toàn bộ dân cư sống trong vùng bãi ở các con sông trên địa bàn Hà Nội khoảng 850.000 người, hoàn toàn không trường học, không trạm y tế vì không được xây, đời sống dân sinh rất bức bách. Nếu quy hoạch được hoàn thành nhanh, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ người dân ở khu vực vùng bãi ven sông. Được biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai quy hoạch phân lũ sông Hồng, sông Thái Bình. Do đó, Chủ tịch UBND TP mong muốn dự án này được đẩy nhanh, làm cơ sở căn cứ khoa học để Hà Nội triển khai lập quy hoạch xây dựng đường đê sông Hồng qua địa bàn TP.
Cũng liên quan tới vấn đề thay đổi kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ An Dương đến khách sạn Thắng Lợi, ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định, Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê và phía Bộ NN&PTNT cũng không chấp thuận hạ cốt đê mà chỉ đồng ý thay đổi kết cấu đê. Tuy nhiên, gần đây, một số báo chí đưa tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê khiến dư luận phản ứng bởi từ vị trí đê đó vào trung tâm rất gần, cụ thể là trung tâm hành chính Ba Đình, cơ quan T.Ư chỉ 1km, nếu người dân không hiểu sẽ cho rằng gây ra thảm họa khi hồ Hoà Bình xả lũ. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên hành lang hội nghị, ông Trần Quang Hoài cho biết, chuyển từ đê đất sang đê bê tông vừa đảm bảo nhiệm vụ chống lũ, vừa kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị của Thủ đô. Bây giờ Hà Nội phải tính toán để tuyến đê bê tông đó đảm bảo an toàn phòng chống lũ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đã được ban hành cũng như một số ý kiến góp ý của các chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật ngành thủy lợi. Trên thực tế, ngay trên địa bàn Hà Nội, đoạn đê con đường gốm sứ cũng đã thay đổi kết cấu đê đất bằng đê bê tông và một số địa phương khác như Hải Phòng đoạn ngay cầu Rào, bờ hữu sông Lạch Tray cũng thay đổi tương tự. Những đoạn đê đó được theo dõi, giám sát chặt chẽ từ lúc thiết kế tới thi công và hiện nay được đưa vào sử dụng cho hiệu quả rất tốt. Ông Hoài cũng cho biết, đê Hà Nội là đê quan trọng nhất của cả nước, trong đó có những đoạn cấp đặc biệt, tuy nhiên hiện nay đê Hà Nội lại đang yếu nhất so với các vùng xung quanh và vi phạm đê điều còn nhiều. Hầu hết các tuyến đê Hà Nội đều gắn với tuyến đường giao thông. Trong 5 năm từ 2011 - 2016, Hà Nội có tổng số 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều, song đến nay mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ, tức là 10%. Vì vậy, theo ông Hoài, TP Hà Nội cần quan tâm giải quyết vấn đề này hơn nữa.