Hà Nội: Không ngừng đổi mới cách làm, chọn "đúng" và "trúng" vấn đề giám sát

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để hoạt động giám sát, tổ chức chất vấn, giải trình của HĐND các cấp TP Hà Nội đi vào thực chất hơn, các ý kiến cho rằng rất cần triển khai những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là có cách làm mới, vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Thực hiện chức năng của cơ quan dân cử, năm nay, HĐND các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, thiết thực thuộc những lĩnh vực quan trọng, được cử tri quan tâm, với tổng số 240 cuộc giám sát, khảo sát đã được HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND các cấp TP tổ chức trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, để hoạt động giám sát, tổ chức chất vấn, giải trình của HĐND đi vào thực chất hơn, các ý kiến cho rằng rất cần triển khai những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là có cách làm mới, vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao trách nhiệm đại biểu

Ghi nhận từ thực tế trên địa bàn TP gần đây, HĐND các cấp TP đã đổi mới rõ nét trong hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình, được cử tri theo dõi sát và cơ bản hài lòng; đã lựa chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm để tổ chức giám sát, giải trình và có những vấn đề tổ chức chất vấn, hạn chế chồng chéo, trùng lặp. Đặc biệt, quá trình này đều có sử dụng những chuyên gia, đại diện cơ quan am hiểu nội dung giám sát, để tránh tình trạng thiếu khách quan, thông tin không đầy đủ khiến kết luận giám sát không sát thực; đề cao vai trò các tổ đại biểu (ĐB) HĐND tại địa bàn, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và cập nhật thông tin cho ĐB trong quá trình tham gia giám sát, giải trình. Nếu phát hiện những tồn tại, HĐND đều có tổng hợp báo cáo Thành ủy để cho ý kiến kết luận, quá trình thực hiện kết luận mà không đạt kết quả thì đề nghị cho tái giám sát.

Tuy nhiên, Thường trực HĐND TP và Thường trực HĐND nhiều quận, huyện cũng nhận định, vẫn có một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thực hiện các hoạt động này, đó là: Quá trình giám sát, chất vấn ở một số địa phương còn tính hình thức, nội dung chưa sâu; một số ĐB có chức danh hoặc ĐB kiêm nhiệm còn né tránh, ngại va chạm, thiếu tự tin và cả thiếu thông tin; còn ít ĐB đăng ký chất vấn; phần trả lời chất vấn, giải trình có khi chưa rõ, không đi đến cùng vấn đề ĐB đặt ra…

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì giám sát tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì giám sát tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)

Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Phùng Mỹ Ngà chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, HĐND, Thường trực HĐND, các ban và tổ ĐB HĐND quận tại phường vẫn tổ chức thực hiện được 20 cuộc giám sát chuyên đề, 1 phiên giải trình đúng luật, phù hợp tình hình địa phương. Thường trực HĐND quận chỉ đạo tăng giám sát qua báo cáo, kết hợp làm việc với đơn vị, giảm đầu mối giám sát trực tiếp, mời đơn vị được giám sát về trụ sở quận làm việc; kết hợp các đoàn kiểm tra, giám sát của Quận ủy, UB MTTQ quận để tránh chồng chéo nội dung giám sát.

“Tôi cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động này, trước hết cần quan tâm bồi dưỡng, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm của ĐB HĐND trong thực hiện quy trình, thủ tục, trình tự cuộc giám sát, chất vấn hoặc giải trình một cách bài bản, khách quan, dân chủ. Đồng thời, cần lựa nội dung cho thiết thực, liên quan vấn đề dân sinh bức xúc, dễ phát sinh vi phạm, còn vướng mắc để giám sát, chất vấn, giải trình, nhằm kiến nghị giải pháp tháo gỡ, phòng ngừa sai phạm. Sau giám sát, giải trình, chất vấn thì việc đôn đốc thực hiện kết luận cần được đeo bám; chuyển hồ sơ sang UBKT hoặc cơ quan điều tra khi thấy có dấu hiệu vi phạm”- bà Phùng Mỹ Ngà đề xuất.

Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Ngọc Phương, ngoài giám sát thông qua làm việc, xem xét báo cáo công tác của UBND và các cơ quan, đơn vị trình tại những phiên họp, năm nay, Thường trực và hai ban HĐND quận đã ban hành những kế hoạch giám sát, khảo sát chuyên đề tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo ANCT-TTATXH trên địa bàn. Các tổ ĐB HĐND quận giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của UBND, chủ tịch UBND phường trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và quy định của T.Ư, TP về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn. “Kinh nghiệm địa phương cho thấy, để hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình, chất vấn đạt hiệu quả thực chất, đòi hỏi các ban HĐND quận chủ động dành nhiều thời gian nghiên cứu, nắm tình hình, đảm bảo chất lượng cuộc giám sát, khảo sát, những vấn đề trọng tâm trọng điểm có tính thời sự, phản ảnh đúng thực tiễn diễn ra trên địa bàn. UBND quận, phòng, ban, đơn vị là đối tượng giám sát cũng cần phối hợp chặt với các ban HĐND cung cấp hồ sơ tài liệu, bố trí thời gian tham gia đoàn”- ông Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.

Đáng chú ý, theo Thường trực HĐND huyện Đông Anh, việc tham gia hoạt động giám sát của các ĐB còn hạn chế, chủ yếu là giám sát tại kỳ họp; giám sát của HĐND đôi khi mang tính hình thức, nội dung chưa tập trung vào những vấn đề mang tính bức xúc ở địa phương, cử tri quan tâm. Ngoài ra, trong thực hiện giám sát vẫn có né tránh, ngại va chạm… nên hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa cao. Vì vậy, trước tiên cần nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và ngay chính ĐB HĐND, phải hiểu đúng, đủ về mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát, từ đó có thống nhất quan điểm đối với hoạt động này. Nội dung giám sát phải thể hiện được tính chất là một bộ phận của chương trình hoạt động trong năm của HĐND, nghĩa là có cân đối với các hoạt động khác; đồng thời có tính khả thi, phù hợp điều kiện kinh tế, chính trị cụ thể ở địa phương. Thực tiễn cũng cho thấy, quá trình tiến hành giám sát rất cần phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, có phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các thành viên, giữa hoạt động giám sát với công tác tiếp xúc cử tri, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp…

Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức ''Phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội'' (tháng 4/2022)
Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức ''Phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội'' (tháng 4/2022)

Tạo lan tỏa, thi đua rộng khắp

Nhằm nâng cao hơn chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Đảng Đoàn HĐND TP vừa xây dựng dự thảo Chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND các cấp TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026”, đang lấy ý kiến đóng góp để sớm ban hành. Theo đó, căn cứ chỉ tiêu thực hiện theo Đề án 15/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy hằng năm, HĐND các cấp sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động, lưu ý cụ thể số cuộc giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND các cấp: Về giám sát tại kỳ họp, hằng năm tại 2 kỳ họp thường lệ, tổ chức giám sát thông qua hoạt động chất vấn; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm những người do HĐND bầu theo quy định của luật và hướng dẫn của UBTV Quốc hội. Về giám sát giữa 2 kỳ họp, hằng năm, HĐND các cấp ban hành nghị quyết thực hiện giám sát chuyên đề của HĐND ít nhất 2 cuộc và Thường trực HĐND các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Thường trực ít nhất 2 cuộc. Đồng thời, tăng giám sát thông qua tổ chức chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND các cấp, trong đó hằng năm tổ chức 2 phiên họp có chất vấn, giải trình.

Khẳng định tính cần thiết và phù hợp của Chuyên đề này, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên cho hay, mục tiêu đặt ra là hoạt động giám sát, tổ chức chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND các cấp đảm bảo thực chất, đa dạng hình thức tổ chức, có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan; tăng chất lượng, hiệu lực sau giám sát, chất vấn, giải trình. Để thực hiện hiệu quả Chuyên đề, HĐND các cấp cần lưu ý các nhóm giải pháp: Tăng cường giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thông qua thẩm tra, xem xét các báo cáo tại kỳ họp HĐND; không ngừng đổi mới hình thức, nội dung, nâng chất lượng chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND; tăng cường tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND các cấp...

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, việc thực hiện giám sát, chất vấn, giải trình cần đánh giá đúng thực trạng, tại địa bàn mình đang còn tồn tại gì, từ đó chọn vấn đề đúng và trúng, có kế hoạch hằng năm thậm chí cho cả nhiệm kỳ về nội dung giám sát. Song song giám sát thường kỳ, cần có giám sát đột xuất phù hợp thực tế từng thời điểm, kịp thời bổ sung kế hoạch giám sát phát sinh.

“Quan trọng nhất là xử lý linh hoạt để đạt cái đích cuối cùng là hiệu quả. Hiệu quả sau giám sát, chất vấn, giải trình có lúc chưa cao, nên HĐND các cấp TP cần không ngừng đổi mới cách làm; trong thông báo kết luận chất vấn của Thường trực HĐND TP sẽ có phụ lục nêu rõ toàn bộ cam kết của lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành về lộ trình thực hiện, sau đó HĐND TP sẽ giám sát và giao trưởng các ban HĐND theo sát việc thực hiện cam kết. Với trường hợp không thực hiện đúng kết luận giám sát, sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý. Rất mong quận, huyện bám sát thông điệp như vậy trong hoạt động, tạo sự lan tỏa, thi đua toàn TP”- Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.