Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội không thiếu hàng tiêu dùng thiết yếu

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công thương Hà Nội bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đồng thời xây dựng nhiều phương án dự trữ hàng hóa khi dịch Covid -19 lan rộng.

Mua bán khẩu trang tại một quầy thuốc ở Hà Nội. Ảnh: Văn Hưng
Tăng cường dự trữ hàng hóa
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, những ngày đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 lan rộng, người dân đã đổ xô dự trữ hàng hóa. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các DN đã tăng lượng hàng dự trữ gấp 4 - 5 lần so với ngày bình thường. Đơn cử, Vinmart tăng lượng hàng hóa lên 40 lần; các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (thành viên Tập đoàn BRG) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, Tổng Công ty đã chủ động làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 30 - 50% tại từng siêu thị và tăng gấp 10 lần tại kho trung tâm, đồng thời tăng cường các chuyến vận tải giao hàng nhằm bảo đảm cung ứng tại tất cả các điểm siêu thị từ Hà Nội đến các tỉnh thành như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên…
Đề nghị UBND TP kiến nghị với Chính phủ có các chính sách, kế hoạch giãn nợ, ưu đãi về lãi suất ngân hàng, giảm thuế GTGT cho các mặt hàng chịu tác động của dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa. Nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh thời gian xem xét đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay... Ngoài ra, xem xét cho các đơn vị được hỗ trợ vay với lãi suất 0% trong 6 tháng để dự trữ hàng hóa chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
Về những lo lắng của người dân về như cầu mặt hàng khẩu trang tăng mạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 28 đơn vị sản xuất khẩu trang, trong đó 9 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất 7.800 - 13.000 chiếc/tháng; 15 DN sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với năng lực sản xuất lên đến 8 tỷ chiếc/tháng, ‘‘Năng lực sản xuất lớn nên nguồn cung khẩu trang bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân’’ - bà Lan khẳng định.
Thời gian tới, căn cứ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các cấp độ ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Công Thương Hà Nội xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ, trong đó tập trung vào cấp độ 3 - 4 bảo đảm sẵn hàng hóa phục vụ Nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly. Dự kiến trong quý II/2020, ngành công thương Hà Nội và các DN sẽ dự trữ nguồn hàng tăng gấp đôi so với các tháng bình thường trong năm với kinh phí lên đến 174.000 tỷ đồng. Cụ thể, 557 tấn lương thực, 111 tấn thịt lợn, 32 tấn thịt gà, 37 tấn thịt gà, 619 tấn rau củ, 31 tấn thủy sản, 31 tấn thực phẩm chế biến… Đặc biệt, sẽ bảo đảm cung ứng ra thị trường 234 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn; 18,36 triệu chiếc khẩu trang y tế; 123,96 triệu cuộn giấy vệ sinh.
Tạo điều kiện cho DN đưa hàng đến người dân
Trên thực tế, DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa bởi người dân ngại không muốn đến những tụ điểm đông người. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương kiến nghị: "Hệ thống siêu thị Big C đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa, trong đó hàng Việt chiếm đến 96% nên không thể thiếu hàng hóa trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đưa hàng hóa tới người tiêu dùng, rất mong UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho DN tổ chức các điểm bán hàng tại các khu chung cư hoặc những phường, xã đông dân cư’’. Cũng qua ghi nhận ý kiến của nhiều DN cho thấy, về cơ bản Hà Nội bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước những diễn biến của dịch Covid-19 với cam kết không thể xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá bán đột biến. Tuy nhiên, DN bán lẻ cần tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh xuyên suốt, liên tục, có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa kịp thời tại các điểm bán để phục vụ Nhân dân.
Nhằm tạo điều kiện cho DN đưa hàng đến người dân, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị UBND TP cho phép các DN lớn được sử dụng một số cơ sở vật chất của DN khác, các nhà chưa sử dụng đến trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để làm kho hàng phục vụ cho công tác dự trữ hàng hóa khi lượng hàng tăng cao. Đặc biệt trong trường hợp dịch bùng phát mạnh có thể làm kho dã chiến trong nội đô, qua đó cung ứng, vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất.