Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội khuyến cáo không tổ chức đám cưới ở khách sạn 5 sao

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm; tránh chạy theo hình thức, phô trương và lãng phí là mục đích đặt ra trong Kế hoạch số 146/KH-UBND, ban hành ngày 5/7, của UBND TP Hà Nội về triển khai việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các văn bản có liên quan, coi đây là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng, cần chỉ đạo đồng bộ, thường xuyên.
Khi tổ chức lễ cưới phải thực hiện các quy định sau: Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”; Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người).
Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày; không mời khách trong giờ làm việc; Không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...
 Hình minh họa.
Âm nhạc trong đám cưới lành mạnh, vui tươi, đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép, không ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh; Không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh và trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, gia đình tổ chức mừng lễ cưới đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh hai gia đình.
Khuyến khích cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trồng cây lưu niệm tại địa phương trong dịp cưới; Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cưới; Khuyến khích kết hợp tổ chức lễ trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn cho nhiều đôi nam nữ cùng một thời điểm.
Khi tổ chức lễ tang phải thực hiện các quy định sau: Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời.
UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang.
Không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo quy định. Người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số thì trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang.
Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang; Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang; Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức.
Việc đánh giá, kiểm điểm cán bộ đảng viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang hàng năm cần được kết hợp, lồng ghép với bình xét và công nhận “Gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá”.
UBND các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, kết hợp các biện pháp vận động, giáo dục, cương quyết xử lý kỷ luật đối với những trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.