Hà Nội: Kiểm soát chặt an toàn chung cư mini, người dân tìm giải pháp mới

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu kiểm soát chặt an toàn chung cư mini, khu nhà trọ..., nhiều đơn vị vận hành, chủ khu nhà trọ đã triển khai thực hiện. Trong khi đó, người dân cũng truyền tai nhau tìm giải pháp sạc xe điện an toàn.

Nhiều chủ phòng trọ, chung cư mini cấm không cho sạc xe dưới hầm, tầng để xe từ nhiều tháng nay.
Nhiều chủ phòng trọ, chung cư mini cấm không cho sạc xe dưới hầm, tầng để xe từ nhiều tháng nay.

Mạnh tay phòng chống cháy nổ

Ngày 2/11, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát an toàn nhà chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini).

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở ngành, UBND quận, huyện tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát an toàn nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ. Cùng với đó, UBND các quận, huyện triển khai ngay những giải pháp để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Với phương tiện là xe hai bánh, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình phải cung cấp diện tích tối thiểu 6m2/căn hộ cho chỗ để xe máy, xe đạp. Trường hợp chủ đầu tư không cung cấp đủ diện tích, phải bố trí nơi gửi xe bên ngoài cho người thuê nhà ở. Ngoài ra, khoảng cách giữa các xe trong khu vực để xe cũng phải đảm bảo đủ chỗ trống.

Khu vực để xe, bắt buộc có giải pháp ngăn cháy và thiết kế ngăn cách khu vực để xe với cầu thang bộ. Nơi sạc xe điện phải bố trí riêng, đảm bảo khoảng cách với các xe xung quanh. Đặc biệt, xe điện không được sạc pin qua đêm; bộ sạc phải phù hợp hệ thống pin xe; quá trình sạc pin phải được theo dõi an toàn; bổ sung thiết bị chữa cháy chuyên dụng phù hợp để xử lý sự cố cháy nổ pin xe điện.

Đối với công trình đã đưa vào sử dụng, nghiên cứu thực hiện ngay các giải pháp đã được đề xuất như trên. Đồng thời tổ chức rà soát, xây dựng phương án thoát nạn để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố, vận động tháo bỏ/cắt các chuồng cọp, tạo lối thoát nạn trong trường hợp phát sinh mất an toàn phòng chống cháy nổ tại mỗi công trình. Thực hiện ngay giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở.

Đối với công trình xây dựng mới đảm bảo việc kiểm soát việc thiết kế về khu vực đỗ xe, bố trí lối thoát nạn, hệ thống cấp điện; hệ thống phòng cháy, chữa cháy công trình.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & đô thị tại một số chung cư mini, nhà cao tầng cho thuê tại Hà Nội sau thông báo trên cho thấy, đa số chủ nhà hay ban quản lý đều đã có sự cảnh giác với xe điện, đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm phòng chống cháy nổ.

Anh Nguyễn Toàn - chủ một toà nhà 12 phòng cho thuê tại đường Hoàng Quốc Việt cho biết, hơn 2 tháng nay anh đã không cho người thuê nhà cắm sạc pin xe máy, xe đạp điện tại đây. Việc Hà Nội ra công văn không được sạc xe điện qua đêm là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn.

"Ở dưới tầng 1 của tôi để khoảng từ 15 - 20 chiếc xe máy, trước thì có 3 - 4 chiếc xe đạp điện hiện còn 1 chiếc nhưng mà có thể tháo rời ác quy mang lên nhà để sạc. Tôi không cho sạc xe điện qua đêm vì nguy hiểm khi đa phần mọi người đều đang ngủ, nguy cơ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng rất lớn" - anh Nam cho biết.

Còn anh Đinh Trung Kiên - chủ một doanh nghiệp chuyên cho thuê căn hộ mini cho hay, các toà nhà đã không cho sạc điện ở tầng để xe với nhiều lý do, một phần rất khó tính toán tiền điện sạc và đảm bản an toàn liên quan đến an toàn cháy nổ.

"Thực tế, các trường hợp cháy xe rồi xe này cháy lan sang xe khác rất nguy hiểm, thế nên khi khách đến thuê nhà tôi đều kiên quyết từ chối nhận những xe máy, xe đạp điện. Dưới tầng để xe cũng chỉ bố trí 1 - 2 ổ cắm điện để dùng khi cần chứ không bố trí chỗ sạc điện cho xe" - anh Kiên chia sẻ.

Thay đổi nhận thức và thói quen

Anh Lê Duy Đức (24 tuổi, Đội Cấn, Ba Đình) cho biết, hàng ngày anh đi làm từ sáng đến 8 - 9h tối mới về nhà; ban đêm là khoảng thời gian duy nhất có thể sạc điện cho xe. Nơi chung cư anh trọ không cấm để xe điện, nhưng phải là loại tháo rời và cấm sạc xe điện sau 11 giờ đêm. Vì vậy để có thể sử dụng xe anh phải sạc tại chỗ làm, hoặc phải sắp xếp công việc để về nhà sớm.

"Không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để mua xe máy được, chỉ có thể sử dụng xe điện. Hiện tại, khi nào đi làm tôi phải mang theo dây điện để tranh thủ lúc ở công ty lấy điện sạc nhờ từ phòng bảo vệ mặc dù khá bất tiện nhưng không còn cách nào khác" - anh Đức cho biết.

Nhiều người dân đã vội bán xe điện để chuyển về dùng xe máy
Nhiều người dân đã vội bán xe điện để chuyển về dùng xe máy

Tuy nhiên, anh Đức cũng cho biết, đây chỉ là biện pháp tạm thời do chưa đủ tiền để mua xe máy. Do chiếc xe hiện tại của anh đã sử dụng lâu năm, bán đi khó được giá nên phải đợi dịp cuối năm có thưởng mới có thể tính đến phương án thay xe.

Anh Nguyễn Đình Phương - đang sinh sống tại chung cư mini ở Phú Thượng (quận Tây Hồ) cho biết, sau khi có quy định của UBND thành phố Hà Nội cấm sạc xe điện qua đêm, nhiều người đã gửi xe điện về quê và chuyển sang sử dụng xe buýt làm phương tiện chính.

"Bên cạnh đó, cũng có nhiều người không chỉ chung cư nơi tôi sống mà các khu trọ bên cạnh đã phải vội rao bán xe điện, mua xe máy để thuận tiện đi lại. Bởi vì nếu không sẽ phải tự tìm cách gửi xe ở bên ngoài hoặc chỗ người thân mà mình quen biết" - anh Phương cho hay.

Qua tìm hiểu cho thấy, trong thời gian qua, thói quen sạc xe điện của người sử dụng đã dần thay đổi. Bên cạnh việc sắp xếp thời gian sạc hợp lý hoặc đổi sang xe xăng, người dân đã tìm hiểu về các thiết bị sạc xe thông minh, mua ổ cắm hẹn giờ tự ngắt điện về dùng vào việc sạc pin.

 

Qua công tác thống kê và điều tra cơ bản trên toàn quốc, có 3.732 nhà chung cư; 192.860 nhà trọ; 1.585 nhà ở nhiều căn hộ và 99.707 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ.