Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội kiên quyết không để dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/4, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo.

Hà Nội ghi nhận F1 liên quan đến trường hợp dương tính tại Hà Nam

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tại Việt Nam, từ ngày 26-29/4, ghi nhận 32 ca mắc mới, trong đó 31 ca là người nhập cảnh và 1 ca là trường hợp nhân viên khách sạn tại Yên Bái có tiếp xúc với đoàn chuyên gia cách ly tại khách sạn nên bị lây nhiễm và đã được cách ly kịp thời.

Tại Hà Nội, từ ngày 26-29/4, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể: BN nam, 26 tuổi, quốc tịch Anh, nhập cảnh về sân bay Nội Bài ngày 24/4, được cách ly tập trung tại Khách sạn Mường Thanh Center (quận Hoàn Kiếm). BN nam, 6 tuổi, quốc tịch Iran, nhập cảnh từ Iran về Sân bay Nội Bài ngày 24/4, được cách ly tập trung tại Khách sạn Mường Thanh Center (quận Hoàn Kiếm). BN nữ, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là khách du lịch bị mắc kẹt trở về từ Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất ngày 24/4, được cách ly tập trung tại Khách sạn Silk Path (quận Hoàn Kiếm). BN nam, 40 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là lao động tại Đức về nước ngày 25/4, được cách ly tại Khách sạn Silk Path (quận Hoàn Kiếm).

Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo 

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, trong tuần ghi nhận 1 trường hợp F1 liên quan đến trường hợp dương tính tại Hà Nam. Trường hợp F0 là người Hà Nam là N.V.Đ, nam, sinh năm 1993, quê quán tại xã Đạo Lý, Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là công nhân xuất khẩu lao động làm việc tại Nhật Bản hơn 1 năm nay. Ngày 7/4, bệnh nhân về nước và được cách ly tập trung tại Đà Nẵng. Ngày 21/4, bệnh nhân kết thúc cách ly được về quê (sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính vào các ngày: 8/4, 12/4, 21/4). Sau khi về quê, bệnh nhân có giao lưu tiếp xúc nhiều người, đến ngày 24/4 thì có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Ngày 27/4, bệnh nhân được TTYT huyện Lý Nhân lấy mẫu gửi CDC Hà Nam xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trường hợp F1 (có liên quan đến Hà Nội) là N.X.T, nam, bộ đội, sinh năm 1981, hiện tại đang là học viên tại Học viện Mật Mã (địa chỉ Tân Triều, huyện Thanh Trì). Ngày 25/4, anh T sang nhà anh Đ chơi, nói chuyện trong khoảng 60 phút (ngồi gần BN Đ). Ngày 26/4, anh T quay trở lại Học viện học. Ngày 29/4, sau khi có thông tin BN Đ dương tính, anh T đã được cách ly. TTYT Thanh Trì phối hợp với Học viện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho anh T.

Từ ngày 16/2 đến nay (73 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Về công tác tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19, đợt 1, đã tiêm cho 8.574 người, hiện tại các trường hợp này sức khỏe đều bình thường. Đợt 2, bắt đầu tiêm từ ngày 19/4, đến nay đã tiêm được 54.537 người, trên số đối tượng dự kiến là 53.350 (đạt tỷ lệ 102,2%).

Nguy cơ hiện nay đang ở mức rất cao

Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ hiện nay đang ở mức rất cao. Sau một thời gian không phát hiện ca mắc mới ngoài cộng đồng dẫn đến một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Tâm lý chủ quan tăng cường sau một thời gian không phát hiện ca mới ngoài cộng đồng. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn.

Dịch bệnh trên Thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chính quyền một số quốc gia đã phải tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa, giới nghiêm nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Hiện nay, dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng như tại Thái Lan, Malaysia, đặc biệt là Campuchia và Lào cũng ghi nhận số mắc ngoài cộng đồng tăng trong thời gian gần đây. Đây lại là các nước có đường biên giới tiếp giáp nhiều với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nội địa và nguy cơ dịch bệnh theo đó cũng xâm nhập vào nước ta. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc xuất hiện đợt dịch tiếp theo ở Việt Nam là nguy cơ hiện hữu bởi nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc lây nhiễm Covid-19.

Theo Ban Chỉ đạo, trước nguy cơ cao của dịch bệnh và như trên thế giới tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn lần trước. Vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, theo chỉ đạo tại Công điện 03 của Chủ tịch Thành phố. Trong đó, các sở ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm bốn tại chỗ.

Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo

Bên cạnh đó, quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp: Đẩy mạnh công tác truyền thông về đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện việc tiêm vaccine phòng Covid-19, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nắm rõ tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch để phối hợp, chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố, tránh tâm lý lơ là chủ quan. Khuyến cáo người dân thực hiện triệt để thông điệp 5 K của Bộ Y tế. Trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.

Cùng đó, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR Code, bắt buộc các trường hợp tạm trú, tạm vắng sau kỳ nghỉ lễ quay trở lại Thành phố phải khai báo y tế. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện cách ly tập trung cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng như không để dịch bệnh lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.

Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép

Từ đó, Ban Chỉ đạo đề nghị, Sở Y tế thường xuyên rà soát các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh:  Phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất mở rộng các khu cách ly tập trung F1. Chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc, oxy, trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận điều trị bệnh nhân trong trường hợp số ca mắc tăng lên ngoài khả năng tiếp nhận của bệnh viện tuyến trung ương. Đảm bảo đầy đủ hậu cần cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt là vật tư, hóa chất cho công tác xét nghiệm khi dịch bệnh bùng phát.

Cùng đó, phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt II và triển khai tiêm cho các đối tượng thuộc các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của UBND TP và Bộ Y tế. Tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Ngoài ra, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép. UBND các quận, huyện, thị xã chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch. Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.