Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Kinh tế số hướng đi tất yếu để phát triển bền vững

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế số những năm gần đây đang nổi lên là một lĩnh vực quan trọng góp phần vào phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều thách thức, song, với lợi thế sẵn có và giải pháp đang triển khai, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Internet.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Internet.

Thực trạng kinh tế số của TP Hà Nội

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP và đạt khoảng 30% GDP vào năm 2030… Điều này khẳng định, phát triển kinh tế số được Đảng và Nhà nước chú trọng.

Hiện, TP Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương (Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội) dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin (CNTT), chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Hà Nội cần phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024, diễn ra mới đây, ông Phạm Minh Hoàn - Phó Trưởng bộ môn CNTT - Viện CNTT và Kinh tế số (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: “Kinh tế số Hà Nội phát triển khá tốt đạt 17,5%, trong đó, chỉ số lõi là 11,9%, cao hơn TP Hồ Chí Minh là 8,6%. Tác động của kinh tế số làm nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghệ cao và đã làm cho năng suất lao động Hà Nội tăng cao (trên 5,3%)”.

Ông Phạm Minh Hoàn - Đại học Kinh tế Quốc dân trao đổi tại  Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024. Ảnh: Phạm Hùng.
Ông Phạm Minh Hoàn - Đại học Kinh tế Quốc dân trao đổi tại  Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024. Ảnh: Phạm Hùng.

Đơn cử như khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được trên 94 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 89,3 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động. Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đang có mặt và hoạt động tại đây như: Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), tập đoàn Nidec và tập đoàn Nissan Techono (Nhật Bản) và các tập đoàn lớn của Việt Nam, như: Viettel, VNPT, Vingroup, FPT… Nhiều sản phẩm công nghệ cao như công nghệ 4G, 5G, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… đã được sản xuất tại đây. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa…

Hà Nội cũng có nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ “lõi”, phát triển khoảng 40 nền tảng “Make in Viet Nam”, như: Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel; Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC; VNPT Hà Nội; Công ty Công nghệ DTT; Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas… Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx); các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.

Quy hoạch Thủ đô cũng đưa ra giải pháp xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, làng nghề truyền thống tại Hà Nội chuyển đổi số, làm kinh tế số…

Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Bên cạnh lợi thế sẵn có, Hà Nội vẫn còn vướng những rào cản chung trong thúc đẩy kinh tế số, phát triển bền vững. Cụ thể, môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu; chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch, mang tính kiến tạo.

Đối với nền kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên, từ dữ liệu mà các mô hình số hóa tạo ra những dịch vụ cá nhân hóa tối ưu, tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Hạ tầng số của Hà Nội mặc dù phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của kinh tế số. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành với dữ liệu quốc gia chưa đầy đủ mà nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thống tin chưa đồng bộ, đồng thời tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước còn thấp. Vấn đề bảo mật thông tin còn nhiều thách thức.

Về mặt nguồn lực, nhân lực, mặc dù dân số Hà Nội đông nhưng chủ yếu là lao động nhập cư. Do đó, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực CNTT chất lượng cao - nhân tố quan trọng trong cạnh tranh. Điều này cũng khiến việc triển khai chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, việc kiểm soát, đo lường các hoạt động kinh tế số trong từng ngành kinh tế gặp khó khăn. Xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội ngày càng tăng dẫn tới khó khăn trong việc xác định, bóc tách hoạt động kinh tế số theo ngành kinh tế...

Có thể thấy, cơ hội, thách thức và rào cản với phát triển kinh tế số đặc biệt quan trọng quan hệ với phát triển bền vững, cũng được xem là chìa khóa để nền kinh tế số TP khởi sắc trong tương lai.

Thúc đẩy kinh tế số thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 - diễn đàn trao đổi về "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững". Ảnh: Phạm Hùng.
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 - diễn đàn trao đổi về "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững". Ảnh: Phạm Hùng.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, kinh tế số đem đến những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong từng lĩnh vực của cuộc sống, thay đổi đối với tất cả chủ thể trong xã hội. Do đó, các bên liên quan đều cần thay đổi, điều chỉnh phù hợp nhằm tận dụng, thúc đẩy, tham gia hiệu quả nhất vào nền kinh tế số, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số, TP cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý, cơ sở hạ tầng CNTT. Trong đó, nghiên cứu, vận dụng, triển khai chính sách về kinh tế số một cách đồng bộ, thống nhất. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân về hiểu biết, vận dụng phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Chú trọng quản lý đô thị thông minh, quản lý giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ số quản lý chất thải, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo dựa trên phát triển hạ tầng số. Có cơ chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế số TP Hà Nội.

Xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, y tế thông minh TP Hà Nội phải dựa trên phát triển hạ tầng số, thúc đẩy cơ sở đào tạo nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ số…

Thủ đô đang kiên trì xây dựng “3 trụ cột, 1 nền tảng” gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nền tảng là văn hoá và công dân số, an ninh an toàn trên không gian mạng. Trong đó, thúc đẩy kinh tế số là giải pháp vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.