Hà Nội: Lấy dữ liệu làm nền tảng chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phát triển dữ liệu và ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân cùng doanh nghiệp đang là hướng đi trọng tâm của Hà Nội trong công cuộc chuyển đổi số.

Đẩy mạnh cung cấp dữ liệu mở

Nói về quá trình chuyển đổi số của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, trong thời gian vừa qua, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp Hà Nội hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số TP Hà Nội hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Hà Nội đang dần hình thành chính quyền điện tử
Hà Nội đang dần hình thành chính quyền điện tử

“Đến năm 2025, Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước TP. Từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền TP để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, chính quyền TP Hà Nội sẽ hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu”, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) trong các ngành, lĩnh vực: y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, TP Hà Nội tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp (năm 2021 đạt trên 89%). Hệ thống Số liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trường tiểu học, THCS, THPT...

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội tiếp tục ứng dụng hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online. Thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội). Ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo hiệu quả…

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) Thái Hồ Phương cho biết, các ứng dụng công nghệ trên sẽ giúp giảm thiểu chi phí nhiên liệu, bảo trì. Các doanh nghiệp vận tải sẽ quản lý và điều hành phương tiện hiệu quả; tiện lợi trong việc thu phí vận tải; tự động hóa việc vận hành; tăng năng suất vận tải của phương tiện. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dữ liệu được thu thập để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng hiệu quả và hiệu suất sử dụng đường bộ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xây dựng dữ liệu dân cư

Để phục vụ chuyển đổi số thành công, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng đang được TP Hà Nội tích cực triển khai thời gian qua là phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 Chính phủ.

Theo Công an TP Hà Nội, đến giữa tháng 7/2022, TP đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp gần 35.000 căn cước công dân (CCCD) gắn chíp kèm định danh điện tử cho học sinh (sinh năm 2004 và 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi.

Công an TP Hà Nội tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân; đã rà soát, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5); đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%), đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong CSDLQG về dân cư.

Tính đến ngày 30/6/2022, TP Hà Nội đã có gần 4,4 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 447 cơ sở khám chữa bệnh BHYT áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; số lượt sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh là trên 26.000 lượt.

Tại thời điểm này, Công an TP Hà Nội đang trong đợt cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho những công dân đủ điều kiện còn lại trên toàn TP. Từ ngày 25/7 đến ngày 25/8, tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn triển khai 3 ca cấp căn cước công dân gắn chíp/ngày, từ 7 giờ đến 22 giờ hằng ngày.

Theo Phó Trưởng phòng Phòng PC06 Nguyễn Thành Lâm, có được những kết quả nêu trên trong thời gian qua, Công an TP đã xác định được một số kinh nghiệm cụ thể, đó là sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp đã tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn dân cư.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP trong triển khai Đề án 06, Sở TT&TT cũng đã phối hợp Văn phòng UBND TP, Công an TP, đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoàn thành kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư theo hướng dẫn, phục vụ xác thực thông tin công dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần