Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Lên “dây cót” các dự án điện rác

Công Trình - Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực về xử lý rác thải tại Thủ đô đang ngày càng lớn do các nhà máy sử dụng công nghệ cũ cho thấy dấu hiệu quá tải, không đủ đáp ứng khối lượng rác phát sinh dẫn đến ùn ứ, ô nhiễm. Chính vì nhu cầu này, TP Hà Nội đang gấp rút yêu cầu hoàn thiện và đưa vào hoạt động đối với các nhà máy điện rác.

Nâng cao năng lực xử lý rác

Theo các chuyên gia, việc sớm đưa các dự án nhà máy điện rác vào hoạt động sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề đang còn tồn tại. Cụ thể, với năng lực xử lý hàng nghìn tấn rác mỗi ngày, tình trạng ùn ứ, “tắc rác” thường diễn ra khi các bãi tập trung (Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn) gặp sự cố sẽ được triệt giảm, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường cục bộ, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Vận hành thiết bị tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Hùng Thập
Vận hành thiết bị tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Hùng Thập

Bên cạnh đó, thay vì phải chôn lấp khối lượng khổng lồ, rác thải qua các nhà điện rác sẽ được xử lý, tái phục hồi trở thành nguồn điện năng xanh - sạch, đóng góp một phần không nhỏ trong mục tiêu đẩy nhanh lộ trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đang hướng tới.

Mặt khác, các loại rác thải có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đưa vào hệ thống xử lý một cách rõ ràng cũng khiến việc triển khai thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Đơn cử như quá trình phân loại rác tại nguồn, những nghi ngại về tình trạng thiếu đơn vị xử lý được tháo gỡ.

Chính vì tính chất cấp bách nêu trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh tổng thể quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, lãnh đạo UBND TP đã đưa ra những nhiệm vụ cần thực hiện đồng bộ.

Cụ thể, tháo gỡ khó khăn tồn tại ở các dự án nhà máy xử lý rác thải đã đầu tư xây dựng, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý rác thải luôn được thuận tiện, an toàn, thông suốt cho công tác vận hành khu xử lý.

Khẩn trương hoàn thành các dự án giải phóng mặt bằng vùng bị ảnh hưởng môi trường. Ngăn chặn hiện tượng người dân vào các khu xử lý để bới, nhặt rác, đảm bảo an toàn việc tiếp nhận, xử lý rác thải. Tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng môi trường, triển khai khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nước sạch.

Đặc biệt, nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành và đưa vào hoạt động theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với các nhà máy điện rác được Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. Cụ thể, Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) với công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày phải hoàn thành trong năm 2022.

Dự án nhà máy điện rác Seraphin - Xuân Sơn, công suất 1.500 tấn/ngày, đêm hoàn thành trong quý I/2024. Theo ước tính về tổng khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP hiện nay, mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn rác cần xử lý, việc đưa các nhà máy điện rác vào vận hành góp phần hiện đại hóa công tác xử lý rác thải, giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn xấp xỉ 10%, giúp nâng cao chất lượng môi trường, coi chất thải là tài nguyên, vì một TP xanh, sạch, đẹp hơn.

Theo nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội có đến 17 khu xử lý rác trong quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô. Trong đó 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 nơi đang hoạt động và chủ yếu hoạt động bằng công nghệ cũ, do đó yêu cầu đưa các nhà máy điện rác vào hoạt động là cấp thiết.

Sẵn sàng đưa vào vận hành

Nhận định rõ ràng về trách nhiệm trong việc góp phần đảm bảo an ninh môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường có nguyên nhân từ tình trạng chôn lấp rác thải sinh hoạt, hỗ trợ chính quyền các địa phương trong giải quyết bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề rác thải, đại diện các đơn vị chủ đầu tư dự án nhà máy điện rác đều cho thấy tinh thần quyết tâm, sẵn sàng trong thực hiện nhiệm vụ chung trong phục vụ cộng đồng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về yêu cầu của lãnh đạo TP đối với tiến độ thực hiện Nhà máy điện rác Seraphin, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn AMACCAO Vũ Văn Ngọc cho biết, chủ đầu tư đã cam kết với TP thi công trong vòng 20 tháng để đưa nhà máy vào hoạt động và phát điện, xử lý nguồn rác đang rất cấp bách của Hà Nội. Không những vậy, với nỗ lực và những kết quả đạt được cho đến thời điểm này, đơn vị còn đặt kỳ vọng sẽ vượt tiến độ ít nhất 2 - 3 tháng so với cam kết.

Theo đó, từ sau giai đoạn khởi công, Tập đoàn AMACCAO đã dồn nguồn lực về tài chính, máy móc, vật tư, thiết bị, nhân lực, khẩn trương triển khai trên công trường. Qua đó, gần đi tới giai đoạn hoàn thiện 10.000m2 hệ thống nhà điều hành dự án, nhà chuyên gia, bãi tập kết thiết bị và các công trình phụ trợ. Các công đoạn san nền, ép cọc đạt trên toàn bộ các hạng mục đều đạt tiến độ trên 90%.

“Vừa qua, AMACCAO đã tiến hành ký hợp đồng để hòa vào lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điện năng được sản xuất từ Nhà máy điện rác Seraphin có công suất phát điện dự kiến là 37MW, điện năng sản xuất hàng năm theo kế hoạch là 2,4 triệu KWh, điện áp phát trên điện lưới là 110kV. Đây cũng được coi là hạng mục hết sức quan trọng mà tập đoàn đã kịp hoàn thành” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn AMACCAO cho biết.

Tương tự, đối với Nhà máy xử lý điện rác Sóc Sơn, Tổng Giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, hiện các phương tiện của nhà máy đã sẵn sàng để đi vào hoạt động. Cụ thể, về tiến độ, hiện nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành công suất đốt rác 800 tấn/ngày đêm.

Ở giai đoạn 2, các cơ sở vật chất, máy móc đã được chủ đầu tư hoàn thiện và có thể đưa vào vận hành ngay trong năm 2022. Hiện tại, hồ sơ giai đoạn 2 đã được đơn vị nộp lên để Bộ TN&MT thành lập hội đồng chuyên gia và kiểm tra, phê duyệt. Riêng với giai đoạn 3, sau khi hoàn thành giai đoạn 2, đơn vị sẽ tiếp tục trình Bộ TN&MT phê duyệt.

Bên cạnh đó, do tổ máy thuộc Quy hoạch điện VIII nên sẽ được đưa vào vận hành sau khi được Thủ tướng phê duyệt. “Về yêu cầu tiến độ, chúng tôi cũng đã chứng minh và được lãnh đạo TP ghi nhận rằng DN đã sẵn sàng đưa nhà máy vào hoạt động. Hiện nay thời hạn thực thi chỉ còn phụ thuộc vào các thủ tục pháp lý”- bà Nguyễn Thị Hồng Vân khẳng định.

 

"Việc sớm đưa vào vận hành các nhà máy điện rác là nhiệm vụ tất yếu mà Hà Nội cần phải thực hiện, bởi công nghệ tiên tiến của các nhà máy sẽ góp phần quan trọng trong giảm thiểu tác hại của rác thải đối với môi trường, tạo ra nguồn năng lượng tuần hoàn.

Bên cạnh đó, TP cũng có thể nghiên cứu, phê duyệt bổ sung khối lượng xử lý cho mỗi nhà máy nhằm tận dụng tối đa năng lực vận hành từng tổ máy, cũng như tránh phát sinh thêm các dự án tiêu tốn nguồn lực." - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ

"Trong quá trình triển khai dự án, Nhà máy xử lý rác Seraphin nhận được sự quan tâm lãnh đạo của UBND TP Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp, hướng dẫn, tháo gỡ giúp đỡ các thủ tục dự án, đảm bảo an toàn chất lượng công trình, đúng tiến độ đề ra." - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn AMACCAO Vũ Văn Ngọc